Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hạn chế bệnh dại mùa nắng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần tiêm ngừa vaccine khi trẻ bị chó, mèo nhiễm virus dại cắn. Ảnh: M.H
Mọi người đều biết chó, mèo là những vật nuôi dễ gây ra bệnh dại nhưng lại thường chủ quan và thiếu đề phòng dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do mắc bệnh dại, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.
Nguy hiểm với vật nuôi trong nhà
Hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình nuôi chó, mèo trong nhà mà không lưu ý hiểm họa bệnh dại luôn “chầu chực” sẵn. Không ít người chủ quan và không chịu đề phòng thú cưng của mình. Mặc dù không thích vật nuôi nhưng để chiều hai mẹ con cô con gái út nên bà Vũ Thị Hằng, ngụ ở phường 6, quận Gò Vấp nuôi một chú chó Nhật trong nhà. Do một lần sơ ý, đứa cháu ngoại bà Hằng đã bị chú chó kiểng lông màu trắng cắn một vết trên bàn tay trong khi đùa giỡn. Thế là sau đó, bà phải tốn hết gần 1 triệu đồng để đến Viện Pasteur và trạm thú y chích ngừa bệnh dại cho cả bên hại lẫn bên bị hại. Lúc này, bà Hằng mới biết việc tiêm ngừa dại cho các vật nuôi trong nhà thật sự cần thiết và cháu mình là một trong 400 người tại TP.HCM chích ngừa dại do chó mèo cắn trong 3 tháng đầu năm 2014.
BS. Lê Xuân Nhi (Viện Pasteur TP.HCM) cho biết, bệnh dại là do virus dại gây nên. Vì là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương nên dễ dẫn đến tử vong và thực tế đã có nhiều trường hợp mắc phải. Theo BS. Nhi, bệnh dại có thể gặp ở tất cả các loài động vật có vú trong đó có vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Các chất tiết bị nhiễm thường được truyền từ các vết cắn vết liếm của động vật bị dại. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh dại có thể lây qua đường hô hấp hay do ghép giác mạc. Ngoài bệnh dại từ động vật nuôi trong nhà còn có loại bệnh dại tự nhiên do động vật hoang dại truyền sang con người cũng rất nguy hiểm như chuột, dơi… sống hoang gần nhà.
Tiêm ngừa kịp thời
Cũng theo BS. Nhi, thời tiết nắng nóng là lý do làm bệnh dại dễ phát sinh mà phổ biến nhất là bệnh chó dại. Khi bị nhiễm virus dại, chó biểu hiện dại ở thể dại câm và dại cuồng. Chính vì thế, tính khí chó dại thay đổi bất thường rất dễ nhận biết. Có khi lừ đừ nằm yên một chỗ nhưng có khi chạy rông cắn càn và sau đó là chảy nước bọt, liệt chân rồi chết. Khi phát hiện ra chó có những triệu chứng như thế, người nhà cần phải nhốt chúng lại để theo dõi, không được thả rông hoặc xua đuổi đi chỗ khác.
BS. Tô Đức Nhân (Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, cách xử lý cần thiết nhất khi bị mèo, chó dại cào cấu hay cắn là phải rửa sạch vết thương và vết trầy xước bằng nước xà phòng hay nước muối đặc. Sau đó lại tiếp tục rửa nhiều lần dưới vòi nước đang chảy mạnh. Đây là cách giảm tối thiểu virus nơi bị xâm nhập đến mức thấp nhất. Nếu được có thể rửa bằng cồn hoặc i-ốt đậm đặc vì đây là những dung dịch có tác dụng sát khuẩn mạnh. Nên đến các cơ sở y tế tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt (khoảng sau 2 ngày) nhất là những vết thương sâu ở cổ, mặt, đầu nơi tập trung nhiều hệ thần kinh trung ương. Điều này, càng cần thiết hơn khi sau đó phát hiện ra chó bị dại hoặc người bị cắn đang nằm trong vùng có dại. Không nên bỏ dở lịch chích ngừa mà BS đã chỉ định vì thuốc sẽ không còn có tác dụng liên hoàn nữa. Cũng theo lời khuyên của BS. Nhân, cần phải theo dõi thường xuyên con vật trong 15 ngày. Nếu trong thời gian đó con vật bị ốm bỏ ăn, mất tích thì cần phải đi tiêm còn nếu sau 10 ngày vẫn khỏe mạnh thì có thể ngưng điều trị vì chó chưa bị mắc bệnh dại. Ngay cả khi chó cắn rách áo quần nhưng chưa có vết xước thì cũng không cần phải chích ngừa đủ các liều như BS chỉ định.
Theo BS. Nhi, phòng bệnh là cách tốt nhất để không mắc bệnh dại từ vật nuôi như: Hạn chế nuôi chó mèo trong nhà, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ vì các cháu thường yêu súc vật, thích đùa chơi với chó mèo mà không biết nguy hiểm có thể xảy ra. Hạn chế cho trẻ nhỏ chơi đùa với chó mèo  và những loài vật nuôi gây dại khác. Nếu gia đình đã nuôi trong nhà thì cần phải đến trạm thú y chích ngừa theo lịch đầy đủ. Nếu có dịch thì tuyệt đối không di chuyển vật nuôi từ vùng dại sang vùng chưa có dại. Có như vậy mới khống chế được bệnh dại để bảo toàn sinh mạng cho con người, nhất là vào những ngày hè nắng nóng như hiện nay.
Hương Thủy
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong vòng 5 năm trở lại đây, số người mắc bệnh dại có chiều hướng gia tăng và dẫn đến số người tử vong cũng rất cao. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)