Tính đến nay, chính sách khống chế quảng cáo khuyến mại đã được áp dụng 13 năm. Trong Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 29-5 vừa qua, một lần nữa, đây là đề tài được bàn tán vô cùng sôi nổi với không ít vấn đề được đặt ra.
Hạn chế chi phí tiếp thị, quảng cáo ở mức 10% tổng chi phí hợp lý
Theo khoản 9, điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: chi phí dành cho “quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” không được vượt quá 10% tổng số chi được trừ, đối với doanh nghiệp mới thành lập: phần chi được phép vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: việc hạn chế chi quảng cáo như vậy, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, không khuyến mại, không quảng cáo, không thử sản phẩm – làm sao… bán được hàng?
Doanh nghiệp trong nước than thở, doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục kêu ca về quy định này; bởi lẽ, trên thế giới, còn “độc” Việt Nam và Trung Quốc khống chế mức chi này.
Hình ảnh đại diện các nhà đầu tư từ nhiều nước đã đến dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sáng 29-5
Một số chuyên gia đề nghị, trước mắt, từ nay đến 2013, Bộ Tài chính có thể trình Thủ tướng Chính phủ và UBTVQH cho phép nới tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo lên 15% (tức là tăng thêm 5% tổng số chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN)…
Cơ quan quản lý cũng có lý riêng
Bởi lẽ, chính sách này liên quan đến vấn đề lợi ích của quốc gia. Dưới góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng: doanh nghiệp FDI như “con đỉa hai vòi”: họ có công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ nên sẵn sàng quảng cáo lớn, kể cả chấp nhận lỗ nhiều năm… Trong khi quy định về quảng cáo chưa nghiêm, công cụ và biện pháp kiểm soát chưa thực sự hiệu quả mà quảng cáo thì cứ “ào ào” – Luật Thuế thu nhập DN không thể đứng ngoài.
Nhiều vấn đề có thể xảy ra, ví như: doanh nghiệp nước ngoài sẽ biểu diễn “kỹ thuật” để hạn chế phần thuế phải đóng. Chưa kể đến rắc rối khi một số công ty liên doanh – phía Việt Nam luôn bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, phía nước ngoài thường dựa vào nguồn lực từ công ty mẹ nên sẵn sàng chi mạnh cho quảng cáo dù thua lỗ nhiều năm. Từ đó, dẫn tới việc phía Việt Nam “không chịu nổi nhiệt” và phải chuyển nhượng phần vốn của mình – trở thành 100% vốn nước ngoài. Đây không chỉ là tình huống lý thuyết mà đã và đang diễn ra trên thực tế.
Hơn nữa, theo kết quả khảo sát do Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) tiến hành: 66% DN được hỏi cho biết – nên khống chế trần quảng cáo. Dù đây là một bài toán khó giải, nhưng tựu trung lại, nhà nước vẫn đang cố gắng bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam – tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.
Đâu là giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam?
Vậy đâu là giải pháp cho DN có thể vừa mở rộng thị trường mà không vi phạm điều luật về quảng cáo đã và đang tồn tại trong 13 năm nay? Câu trả lời hợp lý nằm ở cách thức lựa chọn hình thức quảng cáo sao cho vừa hiệu quả vừa tiết kiệm.
Hình thức quảng cáo trực tuyến, có lẽ là ưu tiên số 1 hiện nay. Ưu điểm vượt trội của hình thức quảng cáo này là khả năng truyền tải không giới hạn về thời gian, địa lý, dung lượng và tương tác hai chiều với khách hàng. Ngoài ra, hiệu quả của quảng cáo cũng dễ đong đếm vì DN có thể thống kê lượt click, lượng view… theo từng ngày. DN cũng có thể dừng ngay hoặc thay đổi chiến dịch khi cần thiết. Đặc biệt, chi phí cho hình thức này rẻ hơn quảng cáo truyền thống rất nhiều.
Nắm bắt được nhu cầu cấp bách hiện nay của DN, tại Việt Nam, Google, Yahoo, Facebook, Admicro vẫn đang tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm quảng cáo tối ưu mới như: thanh toán theo click (CPC), thanh toán theo 1000 lượt hiển thị (CPM Mass, CPM 7000, CMP mobile, CPM TVC online)…
Với các hình thức quảng cáo này, chắc chắn ngân sách sẽ gọn gàng hơn rất nhiều mà quảng cáo của DN vẫn có thể xuất hiện tại những vị trí đẹp trên trang chủ hàng loạt website uy tín như: Dantri.com.vn, Vietnamnet.vn, Cafef.vn, Kenh14.vn, Phapluattp.vn… hoặc phủ rộng mạng lưới tìm kiếm của Google, mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook.
Bên cạnh đó, DN cũng có thể lựa chọn các phương án đầu tư mang lại hiệu quả lâu dài như: Viral Marketing trên mạng xã hội, forum… hay đi sâu đầu tư vào nội dung, tính hiệu quả của Email Marketing, TeleMarketing…
Theo Dân Trí
Bình luận (0)