Ngày 27-5 vừa qua, sản phụ Nguyễn Thị Hậu (35 tuổi, ngụ xã Cát Tiên, huyện Tân Phú) bị vỡ tử cung, thai nhi chui vào ổ bụng do ảnh hưởng của vết mổ trong lần sinh trước đã may mắn được Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai) cứu sống kịp thời. Đây là tin mừng cho gia đình sản phụ, nhưng cũng là lời cảnh báo cho những người mang thai trong khoảng thời gian không an toàn so với lần sinh mổ trước đó.
Để phòng tránh vỡ tử cung cho những thai phụ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, bác sĩ sản khoa cần có kế hoạch theo dõi thai sản định kỳ một cách chặt chẽ |
Ảnh hưởng của vết mổ cũ
Theo thông tin từ gia đình, chị Nguyễn Thị Hậu mang thai con thứ 3 được 39 tuần, thì bất ngờ bị đau bụng dữ dội, xuất huyết bất thường nên nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định tim thai vẫn bình thường nhưng tử cung của chị Hậu bị vỡ nên quyết định phẫu thuật khẩn cấp. Khi phẫu thuật, kíp mổ phát hiện thai nhi bị lọt ra ngoài tử cung và chui vào ổ bụng theo vết mổ cũ bị vỡ. Lập tức em bé được đưa ra ngoài và hồi sức khẩn cấp, còn sản phụ được phẫu thuật khâu tử cung, truyền máu, hồi sức tích cực và may mắn qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Sông Cửu Long (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán) lưu ý, nguyên nhân khiến sản phụ gặp sự cố là do hai lần trước sinh mổ, nên lần mang thai này vết mổ bị căng vỡ khiến thai nhi lọt vào ổ bụng. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.
Tương tự, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng đã từng cấp cứu cho chị Nguyễn Thị H. (Đông Anh, Hà Nội) trong tình trạng đau bụng dữ dội, mất máu cấp, rơi vào trạng thái sốc. Siêu âm cấp cứu phát hiện chị bị chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, nguyên nhân do vỡ tử cung vì có thai 14 tuần tại sẹo mổ đẻ cũ. Các bác sĩ đã tiến hành ca mổ trong gần 4 giờ, truyền 2 lít máu, phải cầm máu bằng cách thắt động mạch tử cung hai bên, khâu tại đường vỡ để bảo tồn tử cung. Cũng tại địa bàn Hà Nội, vào khoảng giữa tháng 12-2016, chị Phạm Thị Quỳnh (ngụ Phúc Thọ, Hà Nội) có thai đến tuần thứ 11 thì bị ra máu bất thường, đau bụng âm ỉ. Kết quả khám ở bệnh viện cho biết bệnh nhân có thai trên vết mổ cũ, nhau thai đã đan xen cài răng lược, nên bác sĩ chỉ định phải cắt tử cung vì không gỡ được bánh nhau.
Đe dọa tính mạng cả mẹ và con
Theo Hội Sản phụ khoa Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây vỡ tử cung là việc lạm dụng sinh mổ, một phương pháp được nhiều sản phụ lựa chọn hiện nay. Đây là vấn đề ngành y tế cần quan tâm nhiều hơn, nhằm góp phần hạ thấp tỷ lệ tai biến cho cả sản phụ và thai nhi. Theo nhận định của bác sĩ sản khoa, vỡ tử cung là một trong những tai biến sản khoa hàng đầu đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người mẹ và em bé. Vì nguy cơ vỡ tử cung có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ, hoặc cũng có thể xuất hiện trong lúc chuyển dạ. Có hai loại vỡ tử cung để có thể nhận biết đó là vỡ hoàn toàn và không hoàn toàn. Đặc điểm của vỡ tử cung hoàn toàn là dấu hiệu bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và phúc mạc làm buồng tử cung thông với ổ bụng, khiến thai nhi bị đẩy ra ngoài buồng tử cung. Trường hợp thứ hai là tử cung bị vỡ đoạn phúc mạc, gây tổn thương từ niêm mạc, rách cơ, vỡ đoạn cuối tử cung. Do đó, phụ nữ cần sử dụng các biện pháp tránh thai chặt chẽ và nghiêm ngặt để tránh tình trạng có thai ngoài ý muốn trong khoảng cách thời gian không an toàn giữa mỗi lần sinh mổ.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM), tình trạng thai bám ở sẹo mổ cũ là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ trong vết sẹo mổ lấy thai trước đó. Đây là dạng bệnh lý hiếm gặp của thai ngoài tử cung, tuy nhiên tình trạng mổ lấy thai ngày càng có khuynh hướng gia tăng như hiện nay sẽ làm cho tỉ lệ thai bám ở vết mổ cũ cũng có thể tăng lên, gây nguy cơ vỡ tử cung cùng nhiều nguy cơ khác cho các thai phụ. |
Đối với những trường hợp đã từng sinh mổ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho thai phụ trong lần mang thai tiếp theo, ThS.BS Lê Văn Hiền (cố vấn cao cấp tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc) khuyến cáo phụ nữ chỉ nên mang thai lần tiếp theo trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm kể từ lúc sinh mổ của lần trước đó. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp lỡ mang thai trong thời gian không thuộc ngưỡng an toàn, thai phụ cần khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu đe dọa đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì thực tế nếu mang thai trong thời gian này, đã xảy ra nhiều trường hợp nhau bám thấp mặt trước ở vết sẹo mổ cũ, hoặc cấy hoàn toàn vào lớp sẹo gây tình trạng nhau thai bị cài răng lược. Khi đó, các gai nhau thai sẽ ăn sâu vào cơ tử cung rồi xuyên vào bàng quang và ruột, gây tổn thương cho các cơ quan này. Đối với những trường hợp này cần phải bỏ thai với điều trị nội khoa (dùng hóa chất Methotrexate) và hút thai. Đôi khi chảy máu nhiều cần phải cắt bỏ tử cung để cứu tính mạng của sản phụ.
Ngoài những biến chứng nguy hiểm trên, thai phụ cũng có thể bị nhiễm trùng vết mổ, nhau tiền đạo, nhau bong non, xuất huyết… Đối với những thai phụ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, thì thai nhi cũng có nhiều nguy cơ bị sinh non, nhẹ ký, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ và thể chất trong quá trình phát triển của bé về sau này.
Vũ Phương
Bình luận (0)