Sự kiện giáo dụcTin tức

Hạn chế rút BHXH một lần: Cần phải có chính sách hỗ trợ người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – Nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” diễn ra vào sáng 10-6 tại hai điểm cầu TP.HCM và Hà Nội.


Đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Hội thảo do Báo Tiền phong tổ chức nhằm chia sẻ những giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động (NLĐ) trong tương lai, nhất là khi hết tuổi lao động và trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam đang gia tăng.

Tại hội thảo, PGS.TS Giang Thanh Long (Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ. Trong đó, rất nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến NLĐ rút BHXH một lần.

Liên quan giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH và hạn chế rút BHXH một lần, PGS.TS Thanh Long đề xuất, cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của NLĐ. Dẫn chứng một số nước Châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Hay như Thái Lan hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu, để bố mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH.

“Việc rút bảo hiểm một lần là quyền của NLĐ nhưng tuyên truyền để NLĐ hiểu là khi rút một lần thì gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai, bởi khi rút ra thì không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được đảm bảo. Đề xuất phải cố gắng chuyển từ bảo trợ xã hội sang BHXH, ngay từ khi còn trẻ phải được tham gia BHXH để tích lũy cho chính mình và sau này tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người khác”, PGS.TS Thanh Long nói.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Đô (Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM) kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia từ ngày 1-7-2022, chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi. BHXH Việt Nam cần có nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia bảo hiểm xã hội, để thu hút người lao động tham gia và đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.

UBND TP.HCM có chỉ đạo Sở Công Thương cùng các tổng công ty bán lẻ lớn TP.HCM tổ chức định kỳ, luân phiên các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu nhà trọ đông công nhân lao động.

Ông Nguyễn Duy Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ LĐTB-XH) khẳng định, để giải quyết câu chuyện rút bảo hiểm một lần thì cần phải phối hợp, giải quyết được nhiều góc độ và phải xử lý nhiều chính sách, cốt lõi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định cho NLĐ.

Hồ Trinh

Bình luận (0)