Theo nhiều bạn đọc, quy định tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý; mức hưởng và lương hưu chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục người lao động ở lại với hệ thống an sinh.
Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM mới đây, bà Vũ Kim Xanh (tỉnh Đồng Nai) cũng đã 2 lần rút BHXH một lần. Lần cuối cùng cách đây 5 năm khi đóng BHXH được 12 năm. Thời điểm đó bà đã 49 tuổi, không tìm được việc làm mới sau khi nghỉ việc nên buộc phải rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống. "Tôi rất muốn được hưởng lương hưu nhưng thời gian chờ đợi quá dài, hơn nữa không có doanh nghiệp (DN) nào chịu tuyển lao động ở độ tuổi của tôi nên không có nguồn thu nhập để duy trì tham gia BHXH. Do vậy, tôi đề nghị nên có chính sách hỗ trợ lao động lớn tuổi chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo nguồn thu nhập để họ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH" – bà Xanh đề nghị.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiế phản hồi tích cực của bạn đọc. Theo nhiều bạn đọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần. Thứ 1 là quy định tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý, nhất là với lao động ngoài quốc doanh. 2. Mức hưởng và lương hưu chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục người lao động ở lại với hệ thống an sinh.
Bạn đọc Nguyễn Phong chia sẻ: "Đi làm công nhân khu công nghiệp mà đóng được đến năm 60, 62 tuổi có mà mơ". Cùng góc nhìn, bạn đọc tên Thùy cho biết: "Tầm 50-69 ở doanh nghiệp tư nhân thì ai còn thuê nữa, có làm tiếp thì họ cũng tìm cách sa thải cho bằng được ấy chứ. Đâu phải ngành nghề nào cũng giống nhau, vị trí nào cũng giống nhau"
Bạn đọc Trương Bá Duy dẫn chứng: "Tôi năm nay 45 tuổi và đã có 20 năm đóng BHHX. Tôi thất nghiệp năm 40 tuổi và đang làm lao động tự do. Xét về quyền lợi đủ điều kiện vượt số năm cần để hưởng lương hưu. Mong muốn của tôi là nhà nước cũng xem xét người khhông có điều kiện tham gia tiếp tục mà đủ số năm quí định đuoc hưởng hưu theo tiền đã đóng hoặc giải pháp tháo gỡ để có tiền trang trãi cuộc sống gia đình sau biến cố đại dịch. Người hoàn thành đủ năm đóng BHXH la người cơ bàn đã thực hiện nghĩa vụ của mình. Để có sự công bằng và cho thấy nhà nước luôn tạo điều kiện quyền tự do khi người đã có 20 năm đóng BHXH có quyền chọn lưa cho mình hình thức nhận BHXH theo nguyện vọng của người lao động".
Bạn đọc Nguyễn Phong ấm ức: "Quá thiệt thòi cho người tham gia BHXH sớm. Ví dụ 1 người lao động nam tham gia BHXH lúc 20 tuổi, họ đóng đủ thời gian quy định là 35 năm để được hưởng 75% cho lương hưu. Vậy khi đủ 35 năm họ mới 55 tuổi và phải đợi 7 năm nữa đến 62 tuổi mới có lương hưu. Trong độ tuổi từ 55 đến 62 họ không có lương hưu, không có trợ cấp, lại rất khó kiếm được việc làm, vậy cuộc sống của họ sẽ như thế nào? BHXH Việt Nam đã tính tới điều này chưa". Theo bạn đọc này, để tránh thiệt thòi cho người lao động thì ai đóng đủ tối đa 35 năm sẽ được hưởng lương hưu ngay khi về hưu thay vì phải đợi đến tuổi như quy định. Còn ai dù đã tới 62 tuổi và chưa đóng đủ 35 năm thì có thể về hưu với tỉ lệ hưởng thấp hơn hoặc có đủ sức khỏe, có việc làm thì đóng tiếp cho đủ số năm hưởng tối đa.
Bạn đọc Nguyễn Phương bày tỏ: "Quan trọng là phải giảm tuổi nghỉ hưu, vì ốm đau bệnh tật thì trẻ hoá, doanh nghiệp không muốn giữ chân người lao động ngoài 50 tuổi, vậy đợi 60 tuổi hưu thì đến khi nào". Bạn đọc Cao Quý góp ý: "Tôi thấy ý kiến đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, đủ năm đóng thì được hưởng là hợp lý. Và tôi có thêm ý kiến nữa là hãy điều tra, nghiên cứu lại mức lương đóng BHXH vì 99.9% các công ty đều chọn mức lương tối thiểu để đóng cho người lao động, lý do đưa ra là đóng vậy thì hàng tháng người lao động bị trừ tiền BHXH ít hơn nhưng thực tế thì DN mới là người được lợi do % công ty phải đóng cao hơn người lao động phải đóng, còn người lao động họ đóng thì coi như gửi tiết kiệm sau này lấy ra thôi chẳng mất đi đâu cả.!".
Một bạn đọc tên Liêm góp ý: "Cứ đóng đủ năm BHXH theo quy định thì NLĐ được quyền chọn nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc cũng là phương án khả thi nhằm hạn chế rút BHXH một lần". Tương tự, bạn đọc Trần Bá Hưng đề xuất: "Cứ đủ năm đóng BHXH thì cho người lao động họ chọn nghỉ hưu hay đóng tiếp.
Nhiều bạn đọc kiến nghị BHXH nên nghiên cứu, xem xét giải quyết một số bất cập của Luật BHXH hiện hành. 1.Bỏ quy định trừ tỷ lệ % đối với người lao động tham gia BHXH phải nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động hoặc bị mất việc làm vì lý do khách quan. Vì BHXH đã thực hiện nguyên tắc đóng hưởng rồi. 2. Thống nhất một phương án tính lương hưu cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, không phân biệt người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người hưởng lương từ chủ sử dụng lao động. Nên lấy mức tiền lương tham gia BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ làm căn cứ tính lương hưu. 3.Cần xây dựng chính sách hưu trí đa tầng để áp dụng cho từng đối tượng tham gia BHXH để phù hợp với điều kiện làm việc, môi trường làm việc và vấn đảm bảo việc làm của từng ngành, nghề khác nhau.
|
An Khánh (theo NLĐ)
Bình luận (0)