Một chiếc xe rước khách dọc đường
|
Nghị quyết 45/NQ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chấp thuận, khai thác thử và công bố tuyến xe khách liên tỉnh sau đó giao sở GTVT quản lý. Theo đó vấn đề đón – trả khách cũng đã được đề cập…
Nâng chất lượng để đạt hiệu quả kinh doanh
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe khách chỉ được phép đón khách tại bến xe nơi đi và trả khách tại bến xe nơi đến. Việc quản lý, hạn chế tình trạng đón – trả khách tùy tiện là cần thiết bởi nó liên quan đến chất lượng phục vụ và ATGT. Nhưng cũng cần tôn trọng tính đặc thù của hoạt động vận tải bằng ô tô là cố định và linh hoạt. Khi xe chưa đủ khách, việc dừng xe đón khách tại những điểm đã được quy định, hoặc dừng xe cho khách xuống ở những nơi không cấm là một nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và khách đi xe. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thông qua quản lý phương án tổ chức vận tải của các doanh nghiệp để từng bước hạn chế tình trạng đón, trả khách tùy tiện. Theo những quy định “nhạy cảm” tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định về đăng ký bến đến – bến đi; điểm đón – trả khách; thời gian và biểu đồ chạy xe.
Đảm bảo an toàn giao thông
Hiện tại, trên các tuyến quốc lộ cả nước có hơn 500 điểm có biển nơi đỗ đón – trả khách với tiêu chí là thuận tiện, bảo đảm ATGT, và tới đây có thể sẽ cắm thêm các biển dừng, đón trả khách tương tự trên các tuyến khác. Việc này giúp phân loại được chất lượng của các loại hình vận tải, nhà xe bởi nếu xe nào đăng ký các điểm dừng – đỗ ít thì hấp dẫn hành khách đi hơn và ngược lại. Từ đó cũng có thể phân loại được các đối tượng hành khách khác nhau: khách thích đi nhanh, chịu mất phí cao, khách muốn chậm một chút nhưng chịu giá vé thấp hơn. Như vậy vừa đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, vừa nâng cao được chất lượng, hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Không ít người ý kiến, ngoài việc chỉ cho đón – trả khách ở bến đi, bến đến nên cho phép đón – trả khách ở các bến xe trên dọc hành trình, lịch trình do cơ quan quản lý nhà nước quy định. Thế nhưng, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì điều này không khả thi bởi hầu hết các bến xe đều không nằm dọc các tuyến quốc lộ, do đó dễ gây ùn tắc trong đô thị, kéo dài thời gian, tổn hao kinh phí và đặc biệt là phát sinh tranh chấp giữa xe chạy chính tuyến với xe vào bến đón, trả khách.
Nếu như các tuyến vận tải khách cố định chưa có trong danh mục đã công bố đều phải chấp thuận khai thác thử thì theo Thông tư 14/2010/TT-BGTVT, hầu như tất cả các tuyến liên tỉnh đều không phải khai thác thử vì các tuyến mới đều trùng trên 70% với tuyến đã công bố. Do đó, việc mở rộng điều kiện hình thành tuyến sẽ gây ra tình trạng chồng chéo với các tuyến đã ổn định, làm rối loạn trật tự vận tải khiến cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để sắp xếp hoạt động theo trật tự dẫn đến sự phá sản của các tuyến đã ổn định. Quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là không nên mở quá nhiều các tuyến đường dài mà cần tăng cường quản lý trật tự, khi cần thì tăng tần suất chạy xe với tuyến có nhu cầu thật. Việc bảo đảm ổn định các tuyến vận tải này cũng là cách để giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đang có sự đầu tư bài bản, ý thức được việc xây dựng thương hiệu có điều kiện phát triển.
Bài, ảnh: H.A
Bình luận (0)