Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hạn chế tối đa tiêu cực trong khâu chấm thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời điểm này các cụm thi trên cả nước đã triển khai công tác chấm thi THPT quốc gia 2016. Theo đó, 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi địa phương sẽ chấm điểm xong trước ngày 20-7; xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh trước ngày 25-7.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Theo lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, công tác chấm thi của trường dự kiến hoàn tất trong vòng 1 tuần. Ở cụm thi này, số bài thi các môn toán, văn, ngoại ngữ trên 12.000 bài/môn; các môn khác ít hơn và ít nhất là môn sử với chỉ 908 bài thi. Năm nay, trường huy động khoảng 80 cán bộ, giảng viên trong trường tham gia chấm bài thi môn toán và ngoại ngữ. Ngoài ra trường còn mời thêm 50 giáo viên THPT có uy tín ở nhiều trường trên địa bàn Hà Nội để chấm các môn văn, sử, địa. Ông Nguyễn Phong Điền (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết việc chấm thi có 2 vòng đảm bảo an ninh, hạn chế tối đa tiêu cực. Đối với các môn thi trắc nghiệm, để đảm bảo chính xác, trường nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chấm. Theo đó, số bài thi trắc nghiệm sẽ được chuyển cho Cục Khảo thí và bắt đầu chấm vào ngày hôm nay (8-7). Bên cạnh đó, trường còn liên hệ để nhờ sự giúp đỡ của Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) – Công an  Hà Nội để xử lý những sự cố tiêu cực. Ngoài ra ở mỗi phòng chấm thi trường cũng cho lắp đặt hệ thống camera để giám sát.

Tại ĐH Thủy lợi, GS. Nguyễn Cảnh Thái (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết cụm thi do trường chủ trì có trên 12.000 bài thi toán, gần 12.000 bài thi văn, trên 11.000 bài thi tiếng Anh. Còn môn địa có gần 5.000 bài thi và môn sử ít nhất với 1.120 bài. Với số lượng bài thi lớn như vậy, trường đã thuê thêm giáo viên THPT của Hà Nội và giảng viên một số trường ĐH cùng chấm. Giáo viên chấm hai vòng sẽ được bố trí ở hai phòng chấm riêng biệt. “Khác với năm ngoái, năm nay trường huy động 100 thư ký để kiểm tra lại các bài thi đã chấm. Bộ phận thư ký này 100% là giảng viên của trường để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra”, GS. Nguyễn Cảnh Thái cho hay. Ông cũng cho biết thêm, với môn thi trắc nghiệm, ngoài lực lượng công an giám sát, trường cũng lắp camera để đảm bảo nghiêm túc chặt chẽ.

Trong khi đó, ông Trần Khắc Thạc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi) cho hay, sáng 6-7, trường đã lấy bài môn thi của tất cả các môn ra chấm thử. Mỗi môn phải chấm thử từ 10 bài thi trở lên để trao đổi, thống nhất phương án chấm theo đáp án của Bộ GD-ĐT. Công tác chấm thi theo đúng quy trình 2 vòng độc lập. Sau đó hội đồng chấm thi sẽ tiến hành so vênh điểm giữa các giám khảo chấm vòng 1 và vòng 2.

Tại Đà Nẵng, ngày 7-7, GS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc ĐH Đà Nẵng) cho biết đơn vị đã triển khai công tác chấm thi môn tự luận từ ngày 6-7 với hai môn có số lượng thí sinh dự thi cao nhất là văn (9.816 bài) và toán (10.721 bài). Các môn tự luận còn lại như sử, địa… do số lượng bài thi tương đối ít nên bắt đầu chấm từ hôm nay (8-7). Riêng các môn trắc nghiệm sẽ chấm thi vào ngày 9-7, dự kiến 3 đến 4 ngày sẽ hoàn thành chấm trắc nghiệm.

Việc chấm thi tại cụm thi số 41 (Quảng Nam) và cụm thi số 46 (Kon Tum) sẽ do hai Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng chủ trì, được thực hiện tại hai trường trên. Riêng cụm thi số 42 (Quảng Ngãi) do Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chủ trì sẽ được chấm tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). Theo đó tại cụm thi này, ĐH Đà Nẵng sẽ điều động một số giảng viên của đơn vị, cùng với các giáo viên THPT tại địa phương tham gia chấm thi. Đây là năm đầu tiên các trường ĐH thành viên chủ trì cụm thi THPT quốc gia tại các tỉnh nên ĐH Đà Nẵng đã chủ động hỗ trợ ngay từ đầu, từ khâu chuẩn bị thi, phục vụ thi cho đến công tác chấm thi.

Để phục vụ công tác chấm thi, ĐH Đà Nẵng cũng đã điều động 235 cán bộ chấm môn tự luận, trong đó ĐH Đà Nẵng có 37 người, Sở GD-ĐT Đà Nẵng có 198 người; 9 cán bộ chấm môn trắc nghiệm. Riêng môn tiếng Đức, do chỉ có 1 thí sinh dự thi nên bài thi sẽ được gửi cho cụm thi khác chấm.

GS.TS Trần Văn Nam cho biết thêm, công tác chấm thi sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy chế, đảm bảo công bằng tuyệt đối cho thí sinh. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được chú trọng nâng cấp, đảm bảo độ chính xác ngay từ trước khi diễn ra kỳ thi. Dự kiến công tác chấm thi sẽ hoàn tất chậm nhất vào ngày 17-7.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để kịp tiến độ công bố điểm cho thí sinh và xét tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển sinh ĐH, CĐ, lực lượng chấm thi của các trường đều phải làm việc hết công suất kể cả thứ bảy và chủ nhật. Với những trường phải thuê giáo viên chấm thi, các trường đều bố trí chỗ ăn, nghỉ nếu giáo viên cần.

Thiên Lam – Vĩnh Yên

NHỮNG MỐC THỜI GIAN CẦN LƯU Ý

Đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ: Từ ngày 1 đến 12-8 (dự kiến trong vòng 12 ngày). Trong đợt 1, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển vào tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Kết quả trúng tuyển đợt 1 được công bố trước ngày 15-8 và thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 17-8 (tính theo dấu bưu điện).

Các thí sinh tại Đà Nẵng xem lại đề thi sau buổi thi môn toán. Ảnh: V.Yên

Đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung: Kéo dài từ ngày 20-8 đến 20-10 đối với các trường ĐH, và tới ngày 15-11 đối với các trường CĐ (dự kiến mỗi đợt kéo dài 10 ngày). Trong các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký trong các đợt xét tuyển.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)