Một chiếc xe hết hạn sử dụng vẫn chạy trên đường |
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT, sau 7 năm thực hiện quy định về niên hạn sử dụng xe. Cụ thể, từ năm 2003 đối với xe khách, năm 2004 đối với xe tải và xe chở người; có 59.594 xe bị loại bỏ vì quá niên hạn sử dụng. Trong đó có 35.066 xe tải, 20.841 xe khách, 3.687 xe chở người.
Không đăng kiểm xe hết hạn sử dụng
Từ những quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe khách, xe tải và xe chở người, nhiều đơn vị kinh doanh đã đầu tư xe mới làm cho chất lượng phương tiện ngày càng tốt hơn. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay độ tuổi của phương tiện đã giảm khá nhiều. Tình trạng xe cũ nát, sử dụng hàng chục năm vẫn được chủ phương tiện tận dụng khai thác đã chấm dứt. Với lộ trình khá dài, Chính phủ đã từng bước loại bỏ xe cũ bằng các nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải, niên hạn ô tô chở hàng và chở người… Những quy định đó giúp nâng dần chất lượng phương tiện, cụ thể là 7 tháng đầu năm 2010, trong hơn 1 triệu phương tiện vào kiểm định có tới gần 900 ngàn xe có độ tuổi dưới 10 năm, chiếm khoảng 70%. Số xe trên 20 năm tuổi là 58 ngàn chiếc, chỉ chiếm 0,05%, còn lại là các xe từ 15 đến 20 năm.
Đến cuối năm 2009, sau khi Bộ GTVT thực hiện hết lộ trình loại bỏ xe chở hàng và chở người được quy định trong Nghị định 23/2004/NĐ-CP, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định rõ xe tải không được sử dụng quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm, các xe chở hàng cải tạo thành xe chở người không được sử dụng quá 17 năm. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với xe của quân đội và công an phục vụ mục đích an ninh quốc phòng. Hiện tại, xe chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả ghế lái) không kinh doanh vận tải và ô tô chuyên dụng chưa phải áp dụng niên hạn sử dụng.
Quy định cụ thể thời gian sử dụng xe
Tháng 8-2010, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BGTVT hướng dẫn cụ thể hơn một số quy định trong Nghị định 95/2009/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt hướng dẫn cách xác định niên hạn với xe chuyển đổi công năng. Theo Thông tư 21/2010/TT-BGTVT, ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên (kể cả người lái), ô tô chở người chuyên dùng chuyển đổi thành ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi phải áp dụng niên hạn không quá 20 năm; ô tô chở hàng chuyển đổi thành ô tô chuyên dùng phải áp dụng niên hạn không quá 25 năm. Các ô tô chở hàng đã chuyển đổi thành chở người trước ngày 1-1-2002 áp dụng niên hạn không quá 17 năm. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định đối với xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, chạy cự ly trên 300km thì thời gian sử dụng không quá 15 năm với ô tô sản xuất để chở khách, không quá 12 năm với các ô tô chuyển đổi công năng thành ô tô chở khách trước ngày 1-1-2002. Xe khách trên 10 chỗ ngồi, chạy cự ly từ 300km trở xuống, xe buýt và xe hợp đồng áp dụng niên hạn lần lượt là 20 năm và 17 năm. Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm. Xe du lịch không quá 10 năm.
Đối với một số xe pick – up chở hàng của Isuzu, Hiace của Toyota… có tổng khối lượng hàng hóa cho phép chở lớn hơn tổng khối lượng người cho phép chở được quy định là xe chở hàng và phải áp dụng niên hạn không quá 25 năm. Quy định này không áp dụng với các xe đã phân loại, lập sổ kiểm định trước ngày 25-9-2010.
Bài, ảnh: Hà Anh
Quy định về niên hạn ô tô
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng ký ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BGTVT, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người. Thông tư có 3 chương, 11 điều gồm các quy định: ô tô phải và không phải áp dụng quy định về niên hạn sử dụng, ô tô cải tạo, ô tô chuyển đổi công năng sử dụng, xác định niên hạn sử dụng của ô tô, trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trách nhiệm của Sở GTVT…
H.A
|
Bình luận (0)