“Theo thống kê, đến cuối năm 2018, hơn 200 ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm”, thông tin này được TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) chia sẻ đến HS Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 mới đây.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Học ngôn ngữ: có cần biết trước về ngôn ngữ đó?
Với những quan tâm của HS về nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, ngoại trừ ngôn ngữ Anh thì với hầu hết các ngôn ngữ khác, các trường ĐH đều không yêu cầu bắt buộc người học phải biết, hiểu rõ về ngôn ngữ đó trước khi vào học. ThS. Xuân Dung khẳng định: “Hầu hết các trường ĐH sẽ đào tạo từ đầu về ngôn ngữ đó cho người học, về cả văn hóa, lịch sử của quốc gia nói ngôn ngữ đó. Thế nhưng, nếu các em học giỏi tiếng Anh sẽ là lợi thế để chinh phục ngôn ngữ mới một cách dễ dàng hơn”.
Theo ThS. Xuân Dung, hiện nay khối ngành ngôn ngữ có rất nhiều trường ĐH đào tạo. Với mỗi trường sẽ có những hình thức tuyển sinh, xét tuyển khác nhau. “Các em hãy tham khảo kỹ những trường có đào tạo khối ngành ngôn ngữ ở cả hình thức tuyển sinh cũng như tổ hợp xét tuyển, học phí, chương trình đào tạo để lựa chọn môi trường học phù hợp”, ThS. Xuân Dung nhấn mạnh.
Kinh doanh đối ngoại và kinh doanh quốc tế khác nhau thế nào?
Giải đáp băn khoăn này của các em HS, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết đây là hai ngành thuộc khối ngành kinh tế. Do đó, hai ngành học này có đến 70% các môn học là giống nhau, 30% các môn học khác nhau. Trong năm đầu tiên, những kiến thức ở hai ngành này hầu như là giống nhau. Đến năm thứ hai trở đi, kiến thức đào tạo mới bắt đầu đi vào chuyên sâu liên quan đến từng ngành. Trong đó, nếu như ở ngành kinh doanh quốc tế, người học sẽ được trang bị những kiến thức về hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, tìm hiểu về chính sách kinh tế Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, các kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương, xuất nhập khẩu, hiệp định thương mại thì trong ngành kinh doanh đối ngoại lại thiên về nghiên cứu chính sách, làm rõ các chính sách của Việt Nam và thế giới để đầu tư.
Cạnh đó, ThS. Lê Dũng cũng cho hay, ngoài hai ngành học trên, nếu quan tâm đến kinh tế quốc tế, người học có thể học những ngành gần hơn như logistics và quản trị chuỗi cung ứng, chuyển giao xuất nhập khẩu…
Dung hòa đam mê bản thân với mong muốn gia đình
Câu chuyện về mâu thuẫn trong lựa chọn ngành nghề giữa người học và gia đình, theo các chuyên gia là câu chuyện muôn thuở và thời nào cũng có, xuất phát từ tình yêu thương, kỳ vọng mà ba mẹ trao gửi đến mỗi đứa con.
Để hóa giải xung đột này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) đưa ra hướng giải quyết là người học nên tìm cách thuyết phục ba mẹ bằng cách thể hiện niềm yêu thích của bản thân với ngành học mà mình có dự định theo đuổi. “Các em phải chứng minh cho ba mẹ thấy rằng mình có tình yêu thực sự với ngành học đó, tác động đến ba mẹ bằng sự trưởng thành của mình trong sự am hiểu về ngành học, các hướng đi của bản thân. Đừng chỉ nói suông rằng “con yêu ngành đó, con muốn học ngành đó” mà hãy thể hiện bằng hành động của mình, việc làm phải đi đôi với lời nói”, TS. Thanh Tùng khẳng định.
Học nghề ra trường dễ xin việc hơn Trước băn khoăn giữa việc chọn học trường nghề hay ĐH của HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, lựa chọn bậc học nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình và hướng đi của bản thân. Việc học trường nghề, CĐ có thể thang bậc lương và xuất phát điểm ban đầu thấp hơn so với ĐH, nhưng trên thực tế học nghề ra trường dễ xin việc hơn là học ĐH. Với lựa chọn học TC, CĐ, khi có điều kiện, người học vẫn có thể tiếp tục học ĐH theo cơ chế liên thông. |
Cũng có chung hướng giải quyết, tuy nhiên ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung bổ sung thêm, tốt nhất là người học nên cân nhắc, làm sao tìm được sự dung hòa giữa mong muốn của bản thân và mong muốn của ba mẹ. Cụ thể, người học hãy tìm hiểu lý do vì sao ba mẹ mong muốn mình theo học ngành đó, xem xét giữa mong muốn của ba mẹ và mong muốn của bản thân. Nếu dung hòa được, hãy lựa chọn một ngành học nào đó thỏa mãn được cả hai mong ước, nguyện vọng. Còn nếu cả hai ngành học, hai ước mong có sự đối lập thì các em nên mạnh dạn chia sẻ với ba mẹ về đam mê thực sự của bản thân.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)