Khi có cây cầu gỡ nút thắt, những làng quê ven chân sóng Duy Xuyên sẽ có cơ hội sang trang mới
|
Cuối tháng 9 vừa qua, cầu Cửa Đại nối đôi bờ Hội An với các huyện vùng đông của tỉnh Quảng Nam gồm Duy Xuyên, Thăng Bình đã chính thức hợp long. Vậy là ước mơ bao đời của bà con lâu nay sang sông trên những chuyến đò dập dềnh sắp thành hiện thực. Cây cầu nối đôi bờ vui sẽ mở ra một trang mới…
Chiều trải ráng vàng trên mặt nước, con thuyền chòng chành đưa chúng tôi rẽ ngang dòng sông Thu Bồn từ Hội An xuôi qua dưới chân cầu Cửa Đại trước khi cập bến bên bờ xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên).
1. Nhìn bóng cây cầu cao sừng sững đang từng ngày được hoàn thiện dưới trời xanh mây trắng, chúng tôi chợt thấy lòng nao nao về một ngày không xa khi những chuyến xe sẽ thay thế những chuyến đò đã bao đời đưa khách sang sông! Anh Nguyễn Bá Tùng, ở thôn 3 thuộc xã Duy Nghĩa, một người làm nghề đưa đò ngót 15 năm trên dòng sông Thu Bồn, đưa khách từ bờ Duy Nghĩa sang xã Cẩm Thanh (Hội An), tâm tư: “15 năm làm nghề đưa đò trên khúc sông này, đủ buồn vui. Mỗi nghề mưu sinh đều có cái vất vả riêng nhưng với nghề đưa đò thì trách nhiệm gấp nhiều lần. Mùa hè, nước cạn, dòng sông bằng lặng sẽ an tâm hơn; còn mùa mưa lũ, nước dâng cao, dù trên thuyền lúc nào cũng sẵn áo phao nhưng cứ mỗi lần con thuyền nổ máy rời bến là một lần người cầm lái lo lắng phập phồng cho đến khi chạm bờ bên kia mới thở phào nhẹ nhõm. Có những thời điểm lũ to thì phải gác chèo. Bà con đôi bờ có công chuyện muốn sang sông cũng đành chịu. Quen với nghề đưa đò mỗi ngày nên những ngày ấy tui lại thấy nhớ sông, nhớ bến đến nao lòng”. Anh Tùng cho biết: Mỗi ngày kiếm được tầm trăm ngàn đồng lo cho gia đình, cho con cái tới trường, tui chưa hề nghĩ đến một ngày nào đấy mình bỏ nghề. Bởi không làm nghề này thì tui biết chọn nghề gì để kiếm sống. Nhưng thực tình, 5 năm nay, từ ngày cây cầu Cửa Đại bắc ngang sông được khởi công, cứ mỗi chuyến đò sang sông là tui ngóng về phía ấy, xem nó đổi thay mỗi ngày thế nào…
Những chuyến đò cuối cùng của người dân đôi bờ, rồi đây sẽ trở thành kỉ niệm
|
Niềm mơ ước có một cây cầu bắc ngang sông để bớt đi sự hiểm nguy rình rập không chỉ có trong tâm thức của người đi đò mà còn cả ở những người lấy nghiệp đưa đò làm kế sinh nhai. Ông Phạm Muôn, ở xã Cẩm Thanh, bày tỏ: “Đưa đò là một cái nghề kiếm sống, nhất là với nhiều người ở vào cái tuổi lục tuần không còn đủ sức vươn khơi bám biển như tui. Thế nhưng trong thâm tâm, cứ mỗi mùa nước lớn, nhìn thấy học sinh vượt sông đến trường mà lòng rưng rưng. Cứ nghĩ các cháu cũng như con cháu mình ở nhà, mùa mưa đi học đã vất vả, đằng này lại phải vượt sông rất nguy hiểm. Nhìn hình ảnh cây cầu hợp long nối liền đôi bờ tui thấy vui lắm. Mình gác mái chèo kiếm nghề khác dù nhọc nhằn nhưng mừng vì bà con đỡ khổ, có cơ hội tiếp cận với phát triển kinh tế, tiến kịp các nơi khác”.
2. Người dân ở ven sông Thu Bồn có câu ca: “Sông sâu bên lở bên bồi/ Bên lở thì đục bên bồi thì trong”. Người dân ở hai xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên) nhận cái quy luật bên lở về mình. Nhưng con nước lũ thì chung nhau cả đôi bờ. Chỉ cần một trận mưa suốt ngày không dứt của xứ sở miền Trung, bà con đôi bờ đều gánh gồng chạy lũ, những chuyến đò ngày mưa cũng trở nên tất bật hơn, đưa người thân kịp về với gia đình… Cứ thế, sau mỗi mùa lũ lớn, người dân nơi đây dọn lại nhà cửa, bắt tay cật lực làm lụng để có cái ăn khác bù vào số lương thực, của cải bị nước cuốn trôi trong nước. Bởi vậy, người dân vùng Duy Hải, Duy Nghĩa phần lớn vốn dựa vào nghề biển nên cuộc sống lại càng bấp bênh, kinh tế phát triển chậm hơn. Học sinh ở hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa muốn học THPT phải lên tận thị trấn của huyện Duy Xuyên, nhưng đường sá xa xôi nên đa số các em khi tốt nghiệp THCS đều khăn gói vượt sông Thu Bồn sang Hội An để trọ học. Chặng đường hơn 10 cây số, ngày nắng đã gian nan, ngày mưa còn vất vả gấp nhiều lần. Vào mùa lũ, nhiều tuần liền không có thuyền sang sông, các em phải ở lại Hội An, chắt bóp đủ thứ đợi ngày nắng mới được về nhà.
Không lâu nữa, cầu Cửa Đại thông thương sẽ thỏa ước mong của hàng ngàn người dân sống bên dòng sông Thu Bồn
|
Còn nhớ cách nay 5 năm, ngày khởi công công trình cầu Cửa Đại, hàng trăm người dân bỏ nguyên cả ngày lao động để đến tận nơi bày tỏ niềm vui mừng. 5 năm – một sự chờ đợi dường như quá lâu cho niềm mong mỏi của họ, ngày hợp long, người dân từ già đến trẻ lại cùng nhau tập trung về cầu rất đông, mặc cái nắng trưa gay gắt dội xuống. Trong niềm hân hoan ấy, ông Nguyễn Văn Mãnh (70 tuổi), một người dân ở Duy Nghĩa cho biết: “Sống gần trọn đời người, mỗi lần muốn sang phố đều phải đò giang cách trở. Nay mai cây cầu hoàn thành, chỉ cần dăm bảy phút là có thể sang bên kia bờ mà không phấp phỏng sợ nước lớn nữa rồi. Chỉ nay mai, con cháu đã có điều kiện để vươn ra ngoài, tiến kịp các nơi”.
3. Cầu Cửa Đại được xem như chiếc đòn bẩy thúc đẩy kinh tế không chỉ riêng đối với bà con huyện Duy Xuyên mà còn là cầu nối thúc đẩy kinh tế, du lịch của Hội An, Đà Nẵng và các điểm đến khác trên tuyến du lịch miền Trung. Chia sẻ niềm vui, ông Diệp Tấn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, hồ hởi nói: “Nay mai cây cầu thông thương sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế cho hàng ngàn hộ dân nghèo ở xã nhà. Cầu không chỉ chấm dứt tình trạng đò giang cách trở mà còn là cơ hội để vùng quê bên chân sóng này tiếp cận với các dịch vụ khác như du lịch thương mại bên cạnh nghề biển đã gắn bó lâu đời. Nhìn xa hơn, cây cầu sẽ nối liền các khu kinh tế từ Dung Quất, Chu Lai đến Hội An, Đà Nẵng, mở ra cơ hội đổi đời cho nhân dân nơi tuyến đường nối liền các khu kinh tế này qua đây”.
Trên chuyến đò trở lại Hội An, vào ngày cầu Cửa Đại hợp long, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt người đưa đò và cả những người dân gần cả cuộc đời nhờ đò để sang sông. Những ánh mắt ưu tư chợt bừng sáng nuốt từng lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi lễ hợp long về niềm tin và tương lai tươi sáng. Nay mai, khi cây cầu thông thương, những chuyến đò ngang trở thành miền kí ức, chúng tôi vẫn tin, như niềm tin của chính những người lấy nghiệp đưa đò làm kế mưu sinh, rằng cuộc sống cơ cực của bà con đôi bờ Cửa Đại sẽ sang trang mới!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Cầu Cửa Đại có tổng mức đầu tư 3.450 tỉ đồng, trong đó có khoảng 50% vốn Trung ương hỗ trợ. Cầu có tổng chiều dài 18,3km, phần cầu chính có 7 nhịp dài 830m, rộng 25,2m. Cầu bắc ngang sông Thu Bồn, nối liền Hội An với các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Năm 2009, cầu được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế vùng đông ven biển, xóa đói giảm nghèo, cứu hộ cứu nạn, phòng tránh thiên tai cho tỉnh Quảng Nam. |
Bình luận (0)