Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hạn, mặn gây thiệt hại 5.572 tỷ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là phát biểu của ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân vùng ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn” diễn ra tại Bến Tre vào sáng nay (28/4).

Trẻ em giữa cánh đồng nứt nẻ ở Sóc Trăng. Ảnh: Hòa Hội
Trẻ em giữa cánh đồng nứt nẻ ở Sóc Trăng. Ảnh: Hòa Hội

Theo ông Lại Xuân Môn, đến nay thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL tổng thiệt hại ước tính là 5.572 tỷ đồng và 390.192 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. 

Riêng tại ĐBSCL, mặn xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 105 km gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đối với đời sống người dân, ước thiệt hại là 2.280 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Elnino ảnh hưởng tới Việt Nam và toàn bộ lưu vực sông Mê Công đã làm nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thiếu hụt, lượng nước trữ trong các hồ chứa giảm thấp. Đồng thời, dòng chảy thượng nguồn bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng gần 100 năm qua dẫn đến xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể kéo dài tới tháng 6 năm nay.

Cụ thể, tại khu vực sông Vàm cỏ: Độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 1,9 – 4,3g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 95-105km (cao hơn cùng kỳ 2015 từ 3-18km). 

Ở khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu thì độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 3,8-6,4g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 50-70 km, cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2015 là 3-18km. 

Còn khu vực ven biển Tây, trên sông Cái lớn, độ mặn lớn nhất so với cùng kỷ năm 2015 cao hơn từ 2,9 — 4,2g/l, chiều sâu xâm nhập mặn với nồng độ 4g/l khoảng 60,165km, cao hơn hẳn so với cùng kỳ 2015 là 10-15km.

Đến nay đã có 11/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, 10/13 tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang.

Ông Nguyễn Ngọc Tam, Phó Bí thư tỉnh ủy Bến Tre cho biết, các vùng cách biển từ 30 – 40 km gần như không lấy được nước ngọt từ các cửa sông như năm trước đã gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Đến nay 162/164 xã trên địa bàn tỉnh đã bị xâm nhập mặn dẫn đến hàng nghìn hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trước tình hình trên, ông Tam cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ, trữ nước tưới… để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo TPO

 

Bình luận (0)