Mặc dù đã xuất hiện nhiều cơn mưa rải rác, nhưng ĐBSCL vẫn đang trong giai đoạn cao điểm hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng lúa chết do thiếu nước đã xuất hiện ở một số địa phương. Hàng chục ngàn hộ dân ở Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang… đang khốn đốn vì không đủ nước ngọt sinh hoạt.
Hiện ĐBSCL có khoảng 400.000 ha đất sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của khô hạn và mặn xâm nhập. Độ mặn lớn nhất trong đầu mùa khô năm 2015 cao hơn cùng năm ngoái từ 1-10g/l (1-10‰) ở nhiều cửa sông ĐBSCL.
Người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) đổi nước ngọt sử dụng trong mùa khô hạn với giá cao.
Tại Bến Tre, hiện nước mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào các cửa sông gần 50km. Nước trong kênh mương nội đồng ở các vùng ven biển, ven cửa sông đã mặn 2‰. Nắng hạn gay gắt khiến hàng ngàn hécta lúa, hoa màu đang đứng trước nguy cơ chết trắng hoặc giảm năng suất. Hiện hệ thống cống đập ngăn mặn ở Bến Tre chỉ đáp ứng 40% so với số kênh mương dày đặc. Riêng sông Ba Lai là hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân Bến Tre. Còn 2 nhánh sông chưa xây được cống đập để ngăn mặn là âu thuyền An Hóa (huyện Châu Thành) và âu thuyền Bến Tre (TP Bến Tre). Do đó, khi nước mặn tràn vào sông Ba Lai sẽ uy hiếp cả TP Bến Tre và huyện Châu Thành.
Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương đã tổ chức đắp, gia cố, đóng kín 64 cống đập quy mô lớn và hàng trăm cống nhỏ; tổ chức lực lượng canh các cửa cống, theo dõi độ mặn để tranh thủ lấy nước ngọt vào nội đồng; đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, vệ sinh, nạo vét kênh rạch chứa nước; vận động người dân bơm nước dự trữ, bơm chuyền 2 cấp để cứu lúa và hoa màu.
Kênh rạch ở Sóc Trăng cạn kiệt vì khô hạn.
Tại Sóc Trăng và Hậu Giang, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú (Sóc Trăng), độ mặn trên các sông tăng liên tục nên huyện phải đóng toàn bộ các cống lại. Hiện các xã đã thu hoạch hơn 5.000/13.000ha lúa và huyện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm giảm nguy cơ thiệt hại, bởi dự báo từ nay đến cuối tháng 4 là giai đoạn hạn mặn cao điểm. Tại Hậu Giang, ước tính có khoảng 30.000ha đất trồng lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến giờ này các huyện đã xuống giống hơn 40.000/75.000ha lúa hè thu. Công tác phòng chống hạn mặn đã được tỉnh triển khai tới các huyện, xã… và đề nghị các địa phương tập trung quyết liệt.
Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, nắng hạn kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm gần 9.200ha lúa đông xuân đang làm đòng và trổ bông bị khô hạn, nguy cơ giảm năng suất 20% – 30%. Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã và Phòng NN-PTNT cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát những khu vực có khả năng, thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn và xây dựng kế hoạch ứng phó. Đặc biệt, quan tâm giải pháp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân ở 2 huyện Trà Ôn và Vũng Liêm.
Tại Cà Mau, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, những ngày qua, trên lâm phần rừng tràm có mưa rải rác, nhưng lượng mưa không đáng kể, không đủ nước tăng độ ẩm cho rừng mà ngược lại còn rửa sạch phèn, gia tăng nguy cơ cháy rừng. Hiện toàn tỉnh có 38.447 ha rừng khô hạn, dự báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Ban Chỉ đạo Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuê đất trồng rừng và các chủ rừng, hộ gia đình nhận khoán đất rừng tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy 24/24.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, bộ đã có kiến nghị đến Chính phủ hỗ trợ hơn 543 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước chống hạn, mặn.
NHÓM PV SGGP
Bình luận (0)