Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hạn nặng ở Đăk Lăk: Lúa chết, cà phê héo, dân điêu đứng

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngàn hécta lúa và cà phê ở Đăk Lăk đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì hạn hán. Người dân nhọc nhằn vật lộn với nắng nóng trên rẫy dưới đồng để tìm nguồn nước ít ỏi cứu lúa, cứu cà phê.

Anh Y Văn bên ruộng lúa chết khô phải cho bò ăn

Cà phê héo, lúa chết

Dưới cái nắng như đổ lửa chúng tôi đến xã Cư Pơng, huyện Krông Buk nơi đã thiếu nước tưới cho cà phê từ hơn một tháng nay. Trên những đám rẫy, cà phê đã bắt đầu héo úa.
Bên cái máy bơm đang nằm im chờ nước, anh Nguyễn Hồng ở buôn Chư Jút tay cầm cây sào đưa lên đưa xuống xem mực nước giếng đã dâng lên chưa để nổ máy tưới. Khuôn mặt thất thần sau nhiều đêm mất ngủ để cứu cà phê, anh tâm sự “Chú thấy có khổ không, được 1ha cà phê mà tưới 15 ngày rồi vẫn chưa xong. Tôi phải lợp lều ngoài rẫy nằm chờ nước khi nào có tưới luôn cho nó tiện”.
Kế bên, ông Nguyễn Văn Đạt có 4 ha cà phê cũng phải vật lộn với nước tưới, thậm chí để có nguồn ông Đạt phải mua, mỗi giờ bơm mất 50 nghìn. Tốn kém mấy mà cứu được cà phê là may rồi”.
Theo ông, chưa năm nào hạn hán đến sớm vậy, mấy năm trước còn nước tưới đến đợt ba, còn nay chưa hết đợt hai đã cạn kiệt. Cứ đà này kéo dài, cà phê sẽ giảm năng suất không chỉ năm nay mà còn kéo qua mùa sau .
Ở huyện Krông Ana, hai bên đường các ruộng lúa cháy đỏ, chân ruộng khô khốc nứt nẻ. Anh Y Văn buôn Tur, xã Dur K’măn đang cùng vợ con hì hục nạo vét lại đoạn kênh để chắt chiu chút nước còn sót lại bơm lên cứu lúa. Chỉ hơn 1 tháng, anh đã phải tưới 6 đợt, từ nay đến khi thu hoạch phải tưới ít nhất 15 lần nữa.
Nhìn đoạn kênh khoảng 100m đã có khoảng 20 cái máy bơm giơ vòi chầu chực nước, Y Văn kể: “Mấy hôm trước người ta còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán để giành  nước nữa cơ!”.
Cách đó gần cây số, Y Thing ngồi đờ đẫn nhìn đàn bò gặm lúa trên đám ruộng 3 sào của mình cũng chẳng buồn đuổi, xót xa: “Ở đây xa nguồn nước quá nên không bơm lên mà cứu được. Cả nhà trông vào chừng đó lúa, mất trắng rồi không biết sắp tới  lấy gì mà ăn”.
Anh Hồng kiểm tra giếng tưới của mình

Đào, múc, khoan vẫn thiếu!

Người dân cố tìm mọi cách gạn nước tưới cứu lúa, cứu cà phê. Anh Hồng chỉ về chiếc hồ rộng 1 ha do 4 hộ có cà phê xung quanh tự góp 150 triệu thuê máy về đắp đã cạn khô, trong lòng hồ nham nhở những miệng hố đào, khoan, múc. “Dù khoan sâu tới 150 m vào lòng đồi cũng chỉ vét đủ nước mỗi ngày một tiếng bơm”.
Cạnh đó, anh Tiến có 3ha mới tưới được 2 đợt thì nước cả giếng, hồ nước đều cạn sạch. Hai vợ chồng ăn không ngon ngủ chẳng yên đành bán bớt cà phê về thuê thợ khoan giếng để tìm kiếm nguồn nước. Không may cho anh, dù đã tốn 24 triệu đồng khoan tới 4 cái giếng, mỗi cái sâu 120m, vẫn không có giọt nước nào. “Giờ đành chờ mưa thôi chú ạ! Đến nước ăn của gia đình cũng hết rồi” .
Anh Nguyễn Văn Pháp Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Buk cho biết: Hiện nay trên địa bàn đã có 5 hồ chứa trơ đáy.
Huyện Krông Ana có gần 10.000 ha lúa, trong đó tới 1.400 ha ruộng khô khốc tập trung ở các xã Du Kmăn, thị trấn Buôn Trấp, xã Hòa Bình, xã Ea Bông. Huyện đã tập trung nạo vét kênh mương, các trạm bơm huy động hết công suất máy bơm mà vẫn không đủ. 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, toàn tỉnh có 4.300 ha cây trồng bị khô hạn, tập trung ở các huyện Krông Ana, Krông Bông, Krông Păk, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Buk, M’Đrăk.
Theo Vạn Tiếp / TPO

Bình luận (0)