Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. |
Trên 40 năm sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (sinh năm 1940) đã để lại dấu ấn khó mờ phai trong lòng các em nhỏ Việt Nam. Ông có tới 4 ca khúc vinh dự được bình chọn trong 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX: Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tre ngà bên lăng Bác và Đưa cơm cho mẹ đi cày. Nhân dịp Tết thiếu nhi 1-6, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích.
– Thưa nhạc sĩ, duyên cớ nào đưa ông đến với âm nhạc?
– Tôi thích âm nhạc từ nhỏ. Nhưng khi lớn lên, bố mẹ tôi rất thích nghề giáo, bảo tôi thi vào ngành sư phạm và tôi đã thi đỗ. Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, Hoàng Long đã có một gia tài âm nhạc, đặc biệt là: Em đi thăm miền Nam và Nếu bạn muốn tìm tôi… Cuộc gặp gỡ ấy khiến tôi suy nghĩ: Nếu bạn có thể làm được, thì tại sao mình không? Sau đó, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ Hoàng Long. Với tôi, Hoàng Long là người bạn chí tình.
Và những sáng tác đầu tiên đã ra đời như thế nào, thưa ông?
– Ca khúc đầu tiên tôi viết cũng chính là một sáng tác cho các em thiếu nhi. Bài hát có tựa đề Cây bàng trước ngõ: “Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội, là chim đến vây quanh…” Ca khúc được viết năm 1966, khi ấy tôi dạy ở Trường cấp III Chương Mỹ, sau đó dự thi cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Cũng trong cuộc thi này, tôi còn gửi tham dự nhiều ca khúc, như Rửa mặt như mèo, Sáo sậu là cậu sáo đen, Ca cảnh Hoa bí vàng. Và điều bất ngờ là các ca khúc dự thi ấy đều đoạt giải…
– Sau này, hình như ông còn gặt hái được nhiều giải thưởng nữa?
– Tôi nhớ nhất vào năm 1992 cả nước có 4 cuộc thi âm nhạc của báo Hoa học trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em và của ngành văn hóa – giáo dục Hà Nội. Lúc ấy tôi đã ở tuổi 52, cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút nhưng những người bạn chí cốt như nhạc sĩ Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường không cho nghỉ, cứ vài ngày lại đến “đòi” bài. Và trong 4 cuộc thi năm ấy, tôi đều có những giải thưởng của các cuộc thi nói trên với các bài Tre ngà bên Lăng Bác, Ơi hành khúc mùa thu, Tháng Ba học trò, Hái được bên bờ rào, Xinh xinh hạt nắng…
– Bây giờ, các em thiếu nhi ngày ngày đến lớp vẫn hát vang nhiều ca khúc của Hàn Ngọc Bích. Ông có thế bật mí về hoàn cảnh sáng tác một vài ca khúc nổi tiếng của mình?
– Hồi năm 1973, tôi rất muốn viết một ca khúc cho các em nhưng gắn với Bác Hồ. Khi ấy, tôi đã đến thăm Lăng Bác nhiều lần nhưng vẫn chưa viết được. Rồi phải đến một buổi chiều nắng tháng Tư, ở Vườn hoa Chí Linh, tôi mới viết được ca khúc Tiếng chim trong vườn Bác. Còn như bài Đưa cơm cho mẹ đi cày tôi viết ở Thường Tín từ cuối năm 1970, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Chính năm ấy, tôi mất đứa con gái đầu lòng. Cảm giác mất mát có phảng phất đâu đó trong bài hát. Cái chung và cái riêng xen lẫn, man mác nhưng không buồn. Mãi đến năm 1972 sau nhiều lần sửa chữa, khi ưng ý, tôi mới gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam…
– Và ông đã thực sự là nhạc sĩ của thiếu nhi, nhạc sĩ của những giải thưởng…
– (Cười) Đúng là tôi được nhiều giải thưởng. Nhưng tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp sẽ đồng ý với tôi là: Giải thưởng lớn nhất, vinh hạnh nhất đối với người nhạc sĩ là sáng tác của mình đã được nhiều người thuộc, hát, và tồn tại trong tâm hồn của họ.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)