Tổng thống Yoon Suk-yeol khẳng định chính phủ sẽ kiên quyết cải cách để đổi mới tận gốc toàn bộ hệ thống y tế
"Ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra với tôi từ bây giờ đến lúc đó?" – người đàn ông bị bệnh tim mạn tính than vãn.
Ông Kwon chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân phải trở về mà không được khám chữa hôm 17-6. Nguyên nhân, theo hãng tin Yonhap, 529 bác sĩ cao cấp (chiếm 54,7% bác sĩ cao cấp tại SNUH và 3 bệnh viện chi nhánh) đã đình công để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh ngành y của chính phủ.
Tham gia cùng SNUH, một trong những bệnh viện đa khoa hàng đầu Hàn Quốc, còn có nhiều giáo sư y khoa của các bệnh viện lớn khác như Trung tây Y khoa Asan, Trung tâm Y khoa Samsung, Bệnh viện Severance và Bệnh viện Seoul St. Mary's.
Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng cảnh báo sẽ có biện pháp cứng rắn, đồng thời yêu cầu giới lãnh đạo các bệnh viện đa khoa cân nhắc bắt những bác sĩ đình công phải bồi hoàn thiệt hại tài chính.
Khoảng 10.000 bác sĩ tuần hành ở thủ đô Seoul – Hàn Quốc ngày 18-6. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp nội các sáng 18-6, Tổng thống Yoon Suk-yeol kêu gọi các bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa đang tham gia biểu tình quay lại làm việc và học hành, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết.
"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài xử lý mạnh tay đối với những hành động phạm pháp phản bội người bệnh" – Tổng thống Yoon nhấn mạnh và khẳng định thêm chính phủ sẽ chấn chỉnh lại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như "kiên quyết cải cách để đổi mới tận gốc toàn bộ hệ thống y tế".
Cuối tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã gút lại kế hoạch tăng tuyển sinh tại các trường y lần đầu tiên trong 27 năm qua – tăng khoảng 1.500 chỉ tiêu, bắt đầu từ năm sau.
Bất chấp những kêu gọi kèm cảnh báo của giới chức trách, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), nhóm đại diện cho cộng đồng bác sĩ lớn nhất nước này, tiếp tục tổ chức tuần hành lớn trong ngày 18-6, với sự tham gia của khoảng 10.000 bác sĩ.
Tại cuộc tuần hành, ông Lim Hyun-taek, người đứng đầu KMA, tuyên bố họ sẽ đình công vô thời hạn từ ngày 27-6 nếu chính phủ không chấp nhận các yêu cầu của KMA.
Tuy nhiên, theo Yonhap, chính phủ đã thẳng thừng bác bỏ các yêu cầu của KMA trước đây, bao gồm xem xét lại việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y và thu hồi mọi quyết định trừng phạt nhằm vào các bác sĩ nội trú đã rời bỏ bệnh viện từ cuối tháng 2.
"Chúng tôi dự tính điều tra thực tế, thu thập bằng chứng để có các biện pháp hành chính, bao gồm đình chỉ hành nghề theo đúng luật y khoa" – Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong nói về hành động bỏ việc của các bác sĩ ngày 18-6.
Theo ông Cho, KMA cũng sẽ bị Ủy ban Thương mại công bằng điều tra vì tình nghi kích động bác sĩ đình công. Luật Thương mại Hàn Quốc quy định các hiệp hội kinh doanh bị cấm can thiệp vào hoạt động của các thành viên hoặc gây ảnh hưởng đến cạnh tranh.
Hồi đầu tháng 6, chính phủ Hàn Quốc từng "chìa ra cành ô liu" khi rút lại sắc lệnh yêu cầu bác sĩ nội trú quay lại làm việc (nếu không sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề kèm theo các hậu quả pháp lý khác).
Một cuộc khảo sát vào tuần trước của công ty Nownsurvey cho thấy 80% người Hàn Quốc được hỏi đã phản đối hành động đình công của bác sĩ. Hiệp hội Bệnh nghiêm trọng Hàn Quốc – một nhóm đại diện cho bệnh nhân – chỉ trích các bác sĩ đã "từ bỏ lời thề Hippocrates".
Theo Reuters, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã công khai phản đối các đồng nghiệp bỏ việc trong khi số khác tranh luận rằng chỉ tăng số lượng bác sĩ thì cũng chưa giải quyết được tình trạng thiếu hụt bác sĩ nghiêm trọng ở các lĩnh vực thiết yếu và khu vực nông thôn.
Theo Hải Ngọc/NLĐO
Bình luận (0)