Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Hàn Quốc: Hỗ trợ giáo dục cho trẻ lai

Tạp Chí Giáo Dục

Các học sinh tiểu học Hàn Quốc đang học nhạc. Ảnh: I.T

Nhiều trung tâm giáo dục tại Hàn Quốc hiện đang xúc tiến các chương trình đào tạo trực tuyến nhằm hỗ trợ cho những học sinh xuất thân từ các gia đình đa văn hóa.
Cơ hội hội nhập văn hóa
Cha Bong-kwon, Chun So-hee và Kim Eun-joo là những đại diện cho một thế hệ sinh viên Hàn Quốc mới. Hiện tại họ đang chuẩn bị bước vào năm nhất Trường Đại học Dongguk. Cha Bong-kwon sẽ học ngành kỹ thuật cơ điện. Kim cũng đã sẵn sàng để theo học ngành triết học – xã hội, còn Chun sẽ là một nữ sinh viên ngành thương mại quốc tế. Điểm khác biệt giữa họ và hàng ngàn học sinh Hàn Quốc vừa tốt nghiệp trung học khác là cả ba đều xuất thân từ những gia đình đa văn hóa – đa chủng tộc hay nói cách khác họ là con lai. Chun và Kim có bố Hàn và mẹ Nhật, trong khi đó Cha Bong-kwon lại có mẹ là người Philippines. Ba tân sinh viên này sẽ là những người đầu tiên xuất thân là con lai đi giúp đỡ các học sinh tiểu học cũng là trẻ lai trong những chương trình dạy học trực tuyến đang phát triển nhanh ở Hàn Quốc. Chương trình giảng dạy trực tuyến mà cả ba tham gia do Trung tâm Hàn Quốc Đa văn hóa (CMCK) điều hành sẽ phát động từ tháng 3 này nhằm hỗ trợ các trẻ lai từ lớp 3 đến lớp 6.
Cha Bong-kwon nói: “Trẻ em rất nhạy cảm và có nhiều mối lo lắng. Điều này đặc biệt đúng với các trẻ đa văn hóa”. Từ kinh nghiệm của mình, Cha Bong-kwon hiểu rõ tâm trạng lạc lõng, cảm giác không được thừa nhận của những đứa trẻ mang hai dòng máu khi đi học. Và tâm lý này ảnh hưởng mạnh đến kết quả học tập của các em. Còn Chun lại rất muốn làm người chị vỗ về những học sinh nào cô được phân công phụ đạo. Chun cho biết: “Điều quan trọng là mọi người phải có đầu óc phóng khoáng và hiểu biết hơn về các gia đình đa văn hóa. Muốn vậy, xã hội phải tạo điều kiện hội nhập dễ dàng cho những người mang chủng tộc khác”.
Phương pháp mới
Trung tâm CMCK và chương trình dạy học cho trẻ đa văn hóa đầu tiên được triển khai vào năm ngoái ở Gyeonggi. Tổng cộng có 100 sinh viên khu vực thủ đô Seoul đã nhận mỗi người phụ đạo cho một học sinh tiểu học, định kỳ hàng tuần họ viếng thăm gia đình các em một lần. Dù thành công nhưng chương trình của CMCK vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong năm đầu. Tổng thư ký Kim Sung-Hoe của CMCK cho biết: “Chúng tôi chọn Gyeonggi vì khu vực này tập trung nhiều trẻ đa văn hóa nhất. Nhưng việc đi lại đối với các sinh viên phụ đạo lại quá bất tiện nên nhiều người đã bỏ dở nửa chừng”.
Lần này, để khắc phục trở ngại ấy CMCK hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đa văn hóa của Đại học Yeungnam ở Daegu với một kế hoạch táo bạo: dạy học trực tuyến với webcam và headset (tai nghe kèm mi-crô). Thông qua internet, chương trình này sẽ không còn giới hạn ở khu vực thủ đô mà còn vươn xa đến vùng nông thôn.
Từ nhiều nguồn tài trợ, hai trung tâm này đã huy động được 142 triệu won (khoảng 120.000 USD) để thực hiện chương trình. Lee Hyun-jung, Giám đốc nghiên cứu của CMCK nói: “Chúng tôi hy vọng internet sẽ xóa nhòa khoảng cách địa lý và văn hóa giữa thủ đô với vùng sâu”. Chương trình đào tạo trực tuyến năm nay sẽ dành cho hơn 1700 học sinh đa văn hóa. Còn Đại học Yeungnam cũng hy vọng sẽ đáp ứng được đủ số lượng sinh viên tình nguyện dạy phụ đạo. Họ sẽ tổ chức những môn học theo tín chỉ và cấp chứng nhận cho những học sinh học đủ 32 giờ trực tuyến với một “thầy” phụ đạo. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức cho các học sinh một số chương trình thực tế như thăm các viện bảo tàng, dã ngoại hay cắm trại.
Thời mẫu giáo, Kim Eun-Joo học ở Tokyo và cũng từng trải qua giai đoạn lạc lõng ở cộng đồng Nhật. Cô ủng hộ chủ trương tạo thêm nhiều cơ hội để người dân Hàn Quốc hiểu biết thêm các nền văn hóa khác biệt. “Mọi người cần hiểu rằng trẻ em đa văn hóa chẳng có gì khác biệt với những trẻ em khác”, Kim nói.
(Theo Gyeonggi News)
YÊN NHẠN

Bình luận (0)