Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Hàn Quốc: Học sinh tự tử tăng trước áp lực thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh Hàn Quốc đang cầu nguyện tại kỳ thi đại học
Áp lực phải đạt kết quả cao trong các kỳ thi là lý do khiến một số học sinh ở Hàn Quốc quẫn trí đến mức cảm thấy cuộc sống không đáng sống.
Hàng chục học sinh tự tử mỗi năm, thường rơi vào khoảng thời gian diễn ra các kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học, nguyên nhân là vì lo ngại không làm tốt bài thi và không đủ điểm để vào các trường đại học mà mình mơ ước. Trường hợp gây sốc gần đây nhất cho thấy, một học sinh 16 tuổi ở thành phố Makpo đã tự tẩm xăng lên người và châm lửa đốt giữa phố. Cậu học sinh để lại lời nhắn nói rằng mình đã có một bài kiểm tra tồi tệ và cảm thấy đã làm cho cha mẹ thất vọng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, con số học sinh tự tử đã tăng từ 100 người trong năm 2003 lên 202 người vào năm 2009. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tự tử nhưng được cứu sống. Một cuộc điều tra khác cũng chỉ ra, trong khi 17,4% người trưởng thành ở Hàn Quốc có cảm giác muốn tự tử thì tỷ lệ này ở học sinh là vào khoảng 20%. Nguyên nhân dẫn đến áp lực học hành thi cử ngày càng gia tăng là do giáo dục ở Hàn Quốc được đánh giá rất cao và đóng một vai trò quan trọng trong quyết định tương lai nghề nghiệp cũng như hôn nhân của mọi người.
Học sinh Hàn Quốc thường phải thức rất khuya để học trước mỗi một cuộc chạy đua vào các trường đại học hàng đầu trong nước. Các em thường coi việc đặt chân vào đại học là khởi đầu thuận lợi để bước vào cánh cửa cuộc sống. Angela Kwon – học sinh năm cuối của một trường trung học ở Suwon, phía Nam Seoul là một ví dụ. Em đi học từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Sau đó, Kwon tiếp tục học ở một trung tâm luyện thi với mức chi 1.400 USD/tháng cho đến tận 10 giờ tối rồi mới trở về trường nội trú, và rồi lại miệt mài học đến tận 2 giờ sáng tại thư viện. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, Kwon cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa phải dành phần lớn thời gian ở trong thư viện của trường và các trung tâm luyện thi. Em thường tranh thủ chợp mắt mỗi khi đi xe buýt. Kwon tâm sự, em ít khi được ngủ ngon giấc và nhiều bạn bè của em cũng cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng kiệt sức. Còn đối với Kim Hye-In, một học sinh trường trung học ở Suwon đã phải đeo dây thun vào cổ tay và thỉnh thoảng kéo để dây thun bật vào tay tạo cảm giác đau và nhờ đó em sẽ không ngủ gật khi học. Kim Hye-In chia sẻ: “Thức dậy vào buổi sáng sau khi chỉ ngủ được bốn tiếng là một nhiệm vụ khó khăn nhất trong ngày của tôi”.
Số liệu của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, mỗi ngày hầu hết học sinh năm cuối ở các trường trung học nước này thường chỉ ngủ khoảng năm tiếng trong khi phải học bài hơn 11 tiếng. Ông Park Jae-Won, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Visang ở Seoul nhận định: “Các em học sinh luôn trong trạng thái thường xuyên bị kiệt sức, mất ngủ và suy nhược”. Nhiều bậc phụ huynh ép con mình học trước tuổi khiến các em bị suy nhược hoặc mất tập trung. Bae Joo-Mi, một chuyên gia tâm lý ở Viện Tư vấn thanh niên Hàn Quốc khẳng định số cuộc gọi tư vấn đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Trước kia, cạnh tranh học tập thường chỉ diễn ra ở trường cấp 2 hoặc cấp 3, nhưng bây giờ cuộc cạnh tranh này đã diễn ra ngay từ cấp tiểu học. Theo chuyên gia Bae Joo-Mi, điều đó khiến giới trẻ không thể tránh khỏi tình trạng suy nhược, trầm cảm.
Để giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục Seoul cho biết sẽ kiểm tra mức độ trầm cảm của toàn bộ học sinh và tư vấn nếu các em có nguy cơ. Đến nay, học sinh ở 4.300 trường học, chiếm 38% tổng số trường học trong cả nước, đã được kiểm tra về tình trạng suy nhược. Các em có nguy cơ đều được giới thiệu đến với các nhà tư vấn chuyên nghiệp để phòng tránh nguy cơ tự hủy hoại mình.
(Theo Sin Chew Jit Poh)
Gia Hân

Một khảo sát gần đây nhất của Viện Tư vấn thanh niên Hàn Quốc, chỉ có 71% thanh thiếu niên Hàn Quốc nói rằng mình đang hạnh phúc, so với 92% ở Trung Quốc và 75% ở Nhật Bản – những nước cũng nổi tiếng với tốc độ cạnh tranh giáo dục.

 

Bình luận (0)