Đoàn cán bộ, giáo viên Sở GD-ĐT TP.HCM chụp hình lưu niệm tại Trường THPT Shindorim (Hàn Quốc) |
Vừa qua, đoàn cán bộ, giáo viên Sở GD-ĐT TP.HCM đã có dịp sang tham quan, làm việc với một số trường học tại Hàn Quốc. Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại chuyến đi tìm hiểu về văn hóa, giáo dục của đất nước này theo lời kể của ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
Văn hóa, con người đậm chất Hàn Quốc
Đoàn chúng tôi có 47 người, gồm lãnh đạo, đại diện các phòng ban Sở GD-ĐT, hiệu trưởng một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Tại Hàn Quốc, đoàn được đi thăm đảo Jeju và một số địa danh tại thành phố Seoul để tham quan và tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. Tại đảo Jeju, đoàn được đi thăm làng Seongup, một ngôi làng có từ lâu đời với khoảng 500 ngàn người sinh sống. Do lịch sử các cuộc chiến tranh và việc đánh bắt cá nên những người sống trong làng chủ yếu là phụ nữ. Họ là những người phụ nữ đảm đang, thân thiện, quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình từ chăn nuôi, trồng trọt cho tới chăm sóc gia đình. Chúng tôi được trưởng làng là một người phụ nữ 55 tuổi dẫn đi thăm các mô hình làng nghề truyền thống của làng, đó là các vườn cây ăn trái, nơi lấy mật ong, trồng nấm… Phải thừa nhận một điều rằng người Hàn Quốc rất có ý thức tự giác, văn minh và lịch sự. Dù đi ngang qua một vườn quýt sum suê trĩu quả, nhưng nếu muốn ăn, họ sẽ tự mình đi ra chợ hoặc những nơi bán để mua, chứ không hề có ý định hái trộm. Không chỉ ở Jeju, đoàn chúng tôi cũng học được những điều thú vị về nền văn hóa nước này. Họ không xả rác bừa bãi, từ trẻ em cho tới những người già đều biết cách phân loại rác, biết bỏ rác vào đúng các thùng rác quy định. Văn hóa xếp hàng của họ cũng rất nghiêm túc, lịch sự. Trong một lần tới Công viên Everland, tôi thấy nhiều người rất nghiêm túc khi xếp hàng mua vé. Do đường nhỏ, lượng người đông nên mọi người xếp hàng theo kiểu zic-zăc, được ngăn cách nhau bằng một sợi dây cao chưa đầy 1 mét. Tôi để ý có hai em nhỏ đi cùng nhau, một em vì nghịch ngợm đã chui qua bên kia sợi dây. Ngay lập tức, em nhỏ đó liền bị người bạn đi cùng lên tiếng nhắc nhở. Ngay điều đó cũng phần nào hình dung được cách giáo dục của người Hàn đối với con trẻ. Họ còn thể hiện ý thức của mình trong việc tôn trọng Luật Giao thông đường phố. Người đi bộ chỉ đi đúng vào vạch dành cho họ khi muốn sang đường. Trường hợp một người đi bộ lỡ sang đường khi đèn đỏ, những người điều khiển phương tiện giao thông sẽ dừng lại nhường đường. Họ cũng rất ít sử dụng còi xe khi điều khiển phương tiện giao thông. Người dân Hàn Quốc rất chú trọng việc đề cao lòng tự tôn dân tộc mình. Họ hạn chế tối đa việc sử dụng tiếng Anh trên các bảng hiệu, bảng hướng dẫn ngoại trừ những nơi thực sự cần thiết như nhà vệ sinh, sân bay… Trong giao tiếp, người dân cũng rất ít sử dụng tiếng Anh mặc dù nó là ngôn ngữ bắt buộc trong các trường học và rất nhiều người biết. Thay vào đó, người Hàn Quốc tích cực sử dụng ngôn ngữ của mình như một “đặc sản” của “xứ sở kim chi”.
Đặc biệt, người Hàn Quốc rất coi trọng việc đúng giờ. Tại thành phố Seoul, chúng tôi được tham quan Trường THPT Shindorim (khối trường công lập) và THPT Seum Global (khối trường quốc tế). Khi tới Trường THPT Shindorim, do lo ngại vấn đề giao thông nên đoàn chúng tôi tới trường sớm hơn 30 phút so với lịch hẹn làm việc trước đó. Nhưng khi tới trường, đoàn buộc phải chờ tới 15 phút sau mới được dẫn vào trường và cũng đúng 15 phút sau, hiệu trưởng và một số cán bộ cốt cán mới có mặt tại phòng làm việc. Khi kết thúc công việc, hiệu trưởng và những người tiếp đón ra tận cổng trường để tiễn đoàn. Họ vẫy tay, và cười niềm nở cho tới khi xe khuất bóng.
Nền giáo dục hiện đại
Qua hai trường học, đoàn GD-ĐT TP.HCM đã có dịp được tìm hiểu, trao đổi và học tập kinh nghiệm về kế hoạch xây dựng và phát triển trường học, việc huy động và sử dụng nguồn lực và cách xây dựng nếp sống văn minh trong học đường. Đặc điểm chung của cả hai nơi này là số lượng HS trong mỗi lớp đều không quá 30 em. Khác với Việt Nam, người Hàn Quốc xây dựng và tổ chức các phòng học theo từng bộ môn. Mỗi môn sẽ được quy định số lượng phòng nhất định và đến môn học nào, các em sẽ tự di chuyển đến phòng học đó. Đặc biệt, các phòng học đều được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, màn hình LCD, máy chiếu. Khi học, các em sẽ được xem các đoạn băng, đĩa để tiếp cận bài học trước. Sau đó, giáo viên (GV) mới giải đáp những thắc mắc của HS và cung cấp thêm một số kiến thức cần thiết. Theo tôi, đây là một giải pháp hay để phát huy tinh thần tự học của HS trong nhà trường. Trong giờ âm nhạc, HS sẽ được chọn học các môn âm nhạc dân tộc, âm nhạc hiện đại, các điệu nhảy, múa… Hai trường học chúng tôi tham quan đều được trang bị đầy đủ các loại nhạc cụ từ truyền thống cho tới hiện đại để phục vụ nhu cầu của các em. Tương tự, với các môn thể dục thể thao, các em cũng được lựa chọn theo sở thích và khả năng của mình. Mỗi trường đều xây dựng khu vui chơi thể thao hiện đại, sạch sẽ, phù hợp với từng môn thể thao mà HS lựa chọn. Ngoài ra, các trường học đều xây dựng hệ thống phòng tự học để những phụ huynh không có điều kiện đưa đón HS đúng giờ có thể đăng ký cho con em mình theo học. Phòng tự học này được thiết kế theo dạng vách ngăn, mỗi ngăn được trang bị máy vi tính có kết nối internet, đủ cho hai HS ngồi học. Tại đây, các em sẽ hoàn thành các bài tập, bài học dưới sự hướng dẫn của GV và những GV này đều không phải là người trực tiếp giảng dạy các em trên lớp. Đến cuối giờ chiều, số HS này sẽ được tham gia học các môn võ cổ truyền, rèn luyện thể thao theo hướng mình yêu thích. Đây có thể coi là một hình thức “học thêm” của HS Hàn Quốc.
Trong việc xây dựng đội ngũ GV, mỗi trường đều có kế hoạch nâng cao chất lượng GV để thu hút HS. Ngoài những tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định, GV tham gia ứng tuyển còn phải đáp ứng được một số yêu cầu do nhà trường quy định (các trường tự tuyển GV). Khi GV có khuyết điểm, nhà trường sẽ kịp thời uốn nắn, giúp GV tiến bộ. Nhà trường luôn cố gắng để mối quan hệ giữa GV-HS trở nên thân thiện, cởi mở, làm cho HS tôn trọng và yêu mến GV. Họ cho rằng, có như vậy thì HS mới tiếp thu bài tốt và GV cũng hết lòng vì HS.
Một điều rất thú vị ở nền giáo dục Hàn Quốc đó là chương trình giảng dạy do Bộ GD-ĐT quy định, nhưng các trường học có quyền lựa chọn hoặc biên soạn bất kỳ loại sách giáo khoa nào để dạy cho HS, miễn sao khi ra trường, các em đạt được một chuẩn mực nhất định về kiến thức. HS Hàn Quốc khi học xong bậc THPT cũng sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngược lại, trong quá trình học, các em sẽ phải tham gia các kỳ thi kiểm tra kiến thức gắt gao. Đồng thời, nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện để HS tham gia các hoạt động xã hội. Các trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ vào số điểm kiểm tra và các hoạt động xã hội đó để xét tuyển HS vào trường. Do đó, HS Hàn Quốc cũng phải chịu không ít áp lực về học tập và điểm số.
Ngọc Anh (ghi)
Bình luận (0)