Học thêm sau giờ học chính khóa, kể cả vào ban đêm đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng ở xứ sở Kim Chi. Các giới chức giáo dục Hàn Quốc đã ra lệnh “giới nghiêm” để cấm tình trạng học thêm vào ban đêm của các học sinh Hàn Quốc. Cùng với việc kiểm tra gắt gao để phát hiện các trường hợp vi phạm lệnh cấm, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực thay đổi hình thức kiểm tra và thi tuyển của các trường học, kể cả các trường đại học nhằm giảm áp lực cho các học sinh, sinh viên.
Một lớp học thêm ở Hàn Quốc. Ảnh: Time |
Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc từng tuyên bố: “Một chương trình đào tạo rập khuôn, nhồi nhét và chỉ hướng tới các kỳ thi vào đại học là không thể chấp nhận được”. Cũng như nhiều nước châu Á khác, học sinh Hàn Quốc cũng bị đè nặng bởi áp lực phải thi đỗ vào đại học nên việc tìm tới “cứu cánh” học thêm là sự lựa chọn bắt buộc. Trong năm 2010, tại Hàn Quốc, 74% học sinh phải đi học thêm, với mức phí trung bình là 2.600 USD/người/năm. Thậm chí, số gia sư và thầy dạy thêm ở Hàn Quốc còn nhiều hơn cả giáo viên chính thức dạy trong các trường học. Những giáo viên nổi tiếng nhất có thể kiếm hàng triệu đô-la một năm từ các lớp học thêm và các bài giảng trực tuyến.
Quận Deachi-dong là quận có nhiều lớp học thêm nhất ở Hàn Quốc. Người ta luôn được chứng kiến cảnh đông đúc các phụ huynh đến đón con tại các lớp học thêm. Để chấm dứt tình trạng này, tại Xơ-un đã thành lập hẳn một tổ tuần tra có nhiệm vụ đi bộ trên vỉa hè, quan sát các tầng cao nơi có các lớp học thêm và tìm xem lớp học thêm nào còn sáng đèn ban đêm.
Nỗ lực chấm dứt nạn học thêm được Hàn Quốc thực hiện từ nhiều năm qua nhưng sau mỗi lần cấm, vấn nạn này lại càng mạnh mẽ hơn do học sinh càng có nhu cầu tìm kiếm các lớp học thêm để thi đỗ vào những trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên lần này chính phủ tuyên bố kế hoạch cải cách sẽ tập trung giải quyết tận gốc rễ của vấn đề. Cụ thể là tăng cường cải thiện hệ thống trường công lập bằng cách đánh giá lại chất lượng giáo viên và hiệu trưởng. Các bài thi tuyển vào các trường trung học có tiếng đã bị xóa bỏ. Khoảng 500 quan chức tuyển sinh đã được chỉ định tới các trường đại học, để xem xét kết quả của các thí sinh không chỉ bằng điểm thi mà còn về khả năng của mỗi em.
Theo ĐỨC ANH
(QĐND)
Bình luận (0)