Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng bình ổn: Lo giữ giá, thêm điểm bán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chương trình bán hàng bình ổn giá đang nhận được sự ủng hộ tích cực của doanh nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc kìm hãm cơn sốt giá. Tuy nhiên, đã xuất hiện e ngại về việc lo giữ giá trước những biến động của thị trường cũng như việc cần bố trí thêm điểm bán hàng.

Siêu thị Fivimart – Một điểm bán hàng bình ổn giá tại Hà Nội . Ảnh: P.Tuyên
Hà Nội: Lo giữ giá, quay vòng vốn
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng, cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố đang tăng cao trong khi nguồn vốn để bình ổn giá có hạn. Số tiền 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) vay với lãi suất 0% để dự trữ 9 nhóm mặt hàng chỉ tương ứng 8% tổng mức nhu cầu tiêu thụ của thành phố.
Tính cả nguồn tiền của DN thì lượng hàng dự trữ của 9 nhóm mặt hàng cũng chỉ đáp ứng được hơn 15% mức tiêu thụ thành phố. Vì vậy, dù có tới 396 điểm bán hàng bình ổn nhưng có những lúc DN bị trống hàng do chưa đưa hàng vào kịp. Có DN tham gia bình ổn giá phải quay vòng vốn 10 lần/tháng.
Theo ông Đồng, trước dự báo sức tiêu thụ hàng Tết Tân Mão tăng 20% so với bình thường, Sở sẽ tăng số điểm bán hàng bình ổn lên 500, mở rộng ra cả các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Sở đã chỉ đạo các DN ký kết hợp đồng để dự trữ hàng hóa. Việc triển khai sớm nguồn hàng dự trữ giúp DN cân đối vốn, nhân lực, vừa bình ổn giá, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, cố gắng không để sốt, thiếu hàng, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
“Theo quy luật chung, giá cả dịp Tết tăng. Khả năng sẽ không bình ổn được hết các mặt hàng”, ông Đồng nói.
Theo Sở Công Thương, hiện tượng cơ chế bán 2 giá trên địa bàn thành phố đã xảy ra. Một số ý kiến đề xuất xây dựng điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ, nhưng điều này rất khó thực hiện do phải có mặt bằng, trong khi thuê thì tốn kém.
Trước thực tế nếu giá thị trường cứ tăng cao, các siêu thị, DN được giao bình ổn giá sẽ khó giữ giá quá lâu và dẫn đến bao cấp, ông Đồng cho hay, Sở đã yêu cầu với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn và thịt gà, các đơn vị tham gia bình ổn một tuần phải đăng ký giá. Khi đầu vào có sự biến động, DN sẽ được nâng giá khi có sự đồng ý. Các mặt hàng khác thì 1 tháng/lần”.
TPHCM: Ít điểm cho công nhân
Giá hàng tại các điểm bình ổn thấp hơn ở ngoài (từ 5-10%) nên đã xuất hiện tâm lý mua nhiều trữ xài dần của nhiều bà nội trợ. Theo tìm hiểu của PV, sức tiêu thụ các mặt hàng như trứng, đường, dầu ăn, gạo tại các điểm bình ổn cũng vì thế tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường (lượng đường tiêu thụ tại hệ thống Co.op mart từ mức bình quân 3 – 4 tấn/ngày vọt lên 30 tấn/ ngày)…
Trước thực tế công nhân các khu chế xuất tại quận 3, quận 7, quận Tân Bình than khó tiếp cận hàng bình ổn vì các điểm, siêu thị ở quá xa, không tiện đường. “Nếu muốn mua hàng, tôi phải đi vài cây số trong khi giờ tan ca về đã muộn, thôi đành rẽ vào chợ cóc”- một chị công nhân khu chế xuất quận Tân Bình nói.
Về thực tế này, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, giải thích: “Các khu công nghiệp chưa có mặt bằng để lập điểm bán hàng bình ổn, vì vậy hằng tháng DN đều tổ chức xe hàng lưu động để đưa hàng bình ổn tới bán cho công nhân. Ngay khi ban quản lý các khu công nghiệp bàn giao mặt bằng, Sở sẽ lập điểm bán hàng bình ổn phục vụ công nhân”.
Liên quan việc giá nhiều mặt hàng có thể tăng do biến động giá cả nói chung, bà Đào cho biết: “Các DN chỉ đảm bảo cung ứng hàng bình ổn đủ cho 30% nhu cầu thị trường, do đó, các mặt hàng bán ngoài điểm bình ổn, Sở không thể can thiệp, xử lý được”.
Cũng theo bà Đào, các điểm bán hàng bình ổn giá bắt buộc phải ghi rõ mặt hàng được bán giá bình ổn, giá bán. Sở Công Thương TPHCM sẽ đi kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại các cửa hàng bình ổn giá để tránh tình trạng mập mờ, gây nhầm lẫn trong việc treo bảng bán hàng bình ổn giá nhưng giá bán lại cao hơn bình thường như phản ánh trên báo chí thời gian qua.
Tại Hà Nội, các DN được cho tạm ứng vốn bình ổn giá dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết với tổng số tiền hàng 400 tỷ đồng, tương ứng với số lượng hàng: gạo trắng thường 6.400 tấn; thịt gia súc 1.520 tấn; thịt gia cầm 560 tấn; trứng gia cầm 12 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.280 tấn; thủy hải sản đông lạnh 800 tấn; dầu ăn 240 nghìn lít; đường RE 240 tấn; rau củ 4.000 tấn.

TPHCM có 1.983 điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống và địa bàn dân cư. Các đơn vị đã tổ chức trên 200 chuyến xe bán lưu động mặt hàng thiết yếu bình ổn giá ở các huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp phục vụ cho 45.000 lượt người mua, với tổng doanh thu trên 2,3 tỷ đồng.
Số lượng hàng bình ổn gồm có: gạo (4.500 tấn), đường RE (2.100 tấn), dầu ăn (750 tấn), thịt gia súc (4.000 tấn), thịt gia cầm (1.550 tấn), thực phẩm chế biến (1.500 tấn), trứng gia cầm (13,5 triệu quả), rau củ quả (1.500 tấn).
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)