Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng bình ổn: Người nghèo không với tới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Nguyễn Quang Thắng, Vụ trưởng Vụ Lao động Văn hóa Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Bộ này vừa hoàn tất Báo cáo đánh giá việc tăng giá đối với đời sống của người nghèo, người làm công ăn lương. Theo đó, với ba kịch bản về CPI bình quân năm 2011 đưa ra 11,9%, 13,1% và 13,9% thì không thể hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo 2%. Bởi lẽ, khi chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 13,9%, người nghèo sẽ mất đi 30.000-40.000 đồng/tháng/người.

Hàng bình ổn rơi vào tay tiểu thương

Ông Thắng cũng nhấn mạnh giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu leo cao đã tác động chính đến đời sống người dân. Chúng làm thay đổi cơ cấu chi tiêu của nhóm 20% dân cư nghèo nhất. Nhóm người này phải chi nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm 55,9% cơ cấu chi tiêu, đồng thời sẽ giảm đi những khoản chi tiêu khác, dẫn tới làm giảm phúc lợi của hộ gia đình.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Vụ trưởng Vụ Lao động Văn hóa Xã hội: "Nên hỗ trợ trực tiếp tiền cho các hộ nghèo, cho công nhân, cho bệnh nhân ở bệnh viện…"
“Trong điều kiện biến động, dù có cắt giảm bội chi ngân sách, thắt chặt chính sách tài khóa như thế nào thì các chính sách liên quan đến người nghèo, những đối tượng khó khăn vẫn phải được đảm bảo” – ông Thắng nhận định. 
Cũng theo ông Thắng, hiện chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ người có thu nhập thấp như nông dân, người làm công ăn lương… Trong đó có chính sách bình ổn giá để giúp người dân tiếp cận với hàng hóa giá rẻ hơn thị trường.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định hàng bình ổn tác dụng rất ít vì chỉ chiếm 10% hàng hóa lưu thông trên thị trường. Hiện nay, 70% hàng bình ổn là bán ở siêu thị hoặc chợ nội thành. Không có mạng lưới phân phối về đến nông thôn, vùng khó khăn nên người nghèo không tiếp cận được hàng bình ổn.
Tôi phản đối việc đưa tiền trực tiếp cho các doanh nghiệp. Thực tế, những nơi nhận bình ổn có giá còn cao hơn nơi không nhận bình ổn. Thực tế, cách đây một tuần thì chai dầu ăn Simply 5 lít ở Big C (Hà Nội) không được nhận tiền bình ổn thì có giá 206.000 đồng/chai. Cũng mặt hàng này, Siêu thị Fivimart bán với giá 240.000 đồng dù được nhận tiền bình ổn. Nếu nhận được tiền bình ổn mà bán giá cao hơn thì phải thu ngay tiền bình ổn.
Ông VŨ VINH PHÚ, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Năm qua, Hà Nội và TP.HCM cho vay ưu đãi lãi suất 0% khoảng 400 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá. Nhẩm tính, với lãi suất vay khoảng 18%/năm thì mỗi năm, tiền hỗ trợ cho DN thực hiện bình ổn khoảng 72 tỉ đồng/địa phương.

Mặt khác, ông Phú nói thêm, chính sách bình ổn giá hiện bị tiểu thương lợi dụng, vì nhiều tiểu thương mua hàng của siêu thị để ra ngoài bán. Bình ổn hiện đang tạo cơ chế xin-cho, không đấu thầu hàng bình ổn, trong khi nhà quản lý không nắm được giá gốc. Mục đích thì tốt đẹp nhưng thực hiện không bài bản nên hiệu quả rất thấp.

Nên hỗ trợ tiền trực tiếp cho người nghèo
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Thắng nhấn mạnh phải kiểm tra mặt hàng được bình ổn có liên quan trực tiếp đến người nghèo không? Phải tổ chức mạng lưới bán hàng để làm sao hàng bình ổn phải len lỏi tới các chợ dân sinh ở khu công nghiệp, nông thôn, bệnh viện, chứ không nên chỉ dừng lại ở siêu thị. Bởi vì những nơi này mới tập trung đông những đối tượng cần được hỗ trợ nhất trước tình hình giá cả tăng cao.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định ai cũng biết rằng công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và nông dân thì không hay mua hàng ở siêu thị mà thường mua ở các chợ trên đường đi làm hay tại các phiên chợ quê. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào chứng minh người nghèo, đối tượng có thu nhập thấp được lợi từ chính sách này cả.
Vì vậy, ông Doanh đề nghị nên trợ cấp tiền trực tiếp cho các gia đình nghèo, cho bệnh nhân ở các bệnh viện… “Nói tóm lại là nên tìm cách đưa trực tiếp cho người nghèo hơn là trợ cấp cho các doanh nghiệp” – ông Doanh khuyến nghị.
Ông Phú cũng cho rằng không nên bình ổn gián tiếp qua doanh nghiệp mà cần hỗ trợ trực tiếp tiền cho các hộ nghèo, cho công nhân… Họ có thể mua ở siêu thị, ở chợ miễn là nơi nào rẻ thì họ đến. Phần còn lại là để các siêu thị, các chợ tự cạnh tranh với nhau. Đó mới là cơ chế thị trường.
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)