Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Hàng chục tỷ đồng trôi theo mưa lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay 4/9, đoàn công tác ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT, dẫn đầu khẩn trương khảo sát các điểm ngập lụt nặng trên địa bàn do mưa lớn kéo dài suốt ba ngày qua.


Đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ) bị ngập hoàn toàn. 
Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 2-4/9, lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến đo được từ 150- 300mm; đặc biệt, một số nơi lượng mưa trên 300-400mm như thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Giao Thuỷ, Câu Lâu, TP Hội An, TP Tam Kỳ… 

Do ảnh hưởng của mưa có cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập và ngã đổ, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ bông bị ngập, thiệt hại 1.500 ha lúa và 150 ha hoa màu.



Toàn bộ cánh đồng hàng trăm ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch thuộc xã Bình An (huyện Thăng Bình) giáp với huyện Phú Ninh bị ngập úng mấy ngày nay.

Giao thông một số tuyến đường ở khu vực nông thôn bị ngập, sạt lở, hư hỏng. Cầu Vũng Ché trên tuyến 611 thuộc huyện Quế Sơn đang thi công bị nước lũ cuốn trôi đường tránh, làm gián đoạn giao thông từ trung tâm huyện Quế Sơn đi xuống quốc lộ 1A.

Khu vực nội thành TP Tam Kỳ, nhiều tuyến đường trung tâm ngập cục bộ, gây ách tắc giao thông. Một số tuyền đường giao thông quan trọng đi miền núi của tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng.  

Theo ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh tính đến sáng nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Cầu Mỹ Cang từ xã Tam Thăng đi thành phố Tam Kỳ bị ngập nặng mấy ngày qua. Một CSGT giúp người dân sau khi xe máy bị chết máy khi qua cầu Mỹ Cang. 

Trước diễn biến của mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ  đạo các địa phương, đơn vị  trong tỉnh kịp thời chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của.

Mưa lớn, Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng 
Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 2 – 4/9 trên địa bàn Thừa Thiên – Huế xuất hiện mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều nơi. Ngoài nỗi lo về giao thông đô thị, các ngành chức năng của tỉnh cũng đang đau đầu với các thiệt hại trong nông nghiệp. 
Lũ tấn công phố cổ Bao Vinh của thành phố Huế (ảnh Đại Phong). 
Mưa lớn kéo dài (lượng mưa lớn nhất đo được là ở huyện miền núi Nam Đông với 426 mm) cộng với nước từ thượng nguồn đổ về mạnh đã khiến mực nước trên các sông của Thừa Thiên – Huế lên rất nhanh. Đến trưa 4/9, mực nước trên sông Hương và sông Ô Lâu đều ở mức báo động III. 
Mưa lớn và nước sông dâng cao trong khi hệ thống chống úng không đảm bảo đã khiến rất nhiều tuyến đường ở thành phố Huế bị nhấn chìm. Tuyến đường qua Đập Đá ngập sâu 0,8m gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. 
Ngoài ra các tuyến đường chính khác cũng bị ngập nặng là Hùng Vương, Đống Đa, Bến Nghé, Nguyễn Huệ, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Nhật Lệ, Trần Nguyên Hãn, Chi Lăng… Nhiều nhà dân ở các vùng trũng của thành phố Huế cũng như các huyện bắt đầu bị nước lũ tràn vào. 
Về sản xuất nông nghiệp, đến trưa 4/9, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế còn hơn 2.000 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch, phần nhiều diện tích này tập trung nhiều nhất ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới… đã bị nhấn chìm, có nguy cơ mất trắng. 
Cùng với lúa hè thu, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản ở các huyện, đặc biệt là các khu vực nằm ven phá Tam Giang và các sông chưa kịp thu hoạch có nguy cơ bị lũ cuốn trôi. 
Trước tình hình nước lũ đang dâng nhanh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện và thành phố Huế… đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ người và tài sản của nhà nước và nhân dân… 

Theo dantri.com.vn

 

Bình luận (0)