Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng đặc sản vất vả tìm đường vào siêu thị

Tạp Chí Giáo Dục

Việc yếu về công nghệ, không đáp ứng các nhu cầu chất lượng, nguồn hàng không ổn định khiến cơ sở làm đặc sản khó khăn trong việc đưa hàng vào siêu thị.
Chiều 26-12, tại Cần Thơ đã diễn ra cuộc tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam Bộ với hệ thống siêu thị” do báo Tuổi Trẻ, Co.opmart và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp thực hiện. Đây là dịp giao lưu giữa các làng nghề đến từ các tỉnh, đồng thời cùng tìm giải pháp để phát triển đặc sản của từng vùng.
Khó vào siêu thị vì nguồn cung bất ổn
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Co.opmart, đánh giá: “Đời sống càng nâng lên, nhu cầu tiêu thụ hàng đặc sản càng lớn. Một số đặc sản thâm nhập vào kênh tiêu thụ hiện đại. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, hiện có 80 nhà cung cấp hàng đặc sản, trong đó 1/3 là hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ. Mức tăng trưởng đặc sản hiện đạt trên 30%”.
Tuy nhiên, qua trình bày của các DN, hàng đặc sản hiện vẫn đang khó khăn trong việc tìm đến các hệ thống siêu thị để mở rộng thị phần.

DN đang giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác bên lề buổi tọa đàm tại Cần Thơ. Ảnh: GIA TUỆ
Ông Đinh Công Hoàng, chủ cơ sở tàu hũ ky tươi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), bày tỏ: “Cách nay 20 năm, nghề làm tàu hũ ky của chúng tôi chủ yếu làm thủ công. Đến nay, cơ sở đã hình thành một phần dây chuyền sản xuất để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu tốt nhất. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là sản phẩm của mình vào được hệ thống siêu thị sẽ khó khăn. Bởi lẽ đầu ra của cơ sở chúng tôi cũng bấp bênh, hạn sử dụng sản phẩm chỉ 10 ngày”.
Giải thích thêm về khó khăn của DN đặc sản, ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555 (An Giang), nhận định siêu thị bây giờ yêu cầu nguồn cung phải ổn định và lâu dài. Trong khi đó, DN đặc sản lại yếu vốn, khó đảm bảo.
Bên cạnh cái khó về nguồn cung, theo đại diện Co.opmart, cái khó hiện nay còn là việc định giá phù hợp cho mặt hàng đặc sản đối với thị trường. Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì sản phẩm vẫn chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, công tác giấy tờ, chứng nhận sản phẩm vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Đó là chưa kể nhiều loại đặc sản làng nghề chỉ được sản xuất theo mùa vụ, không thể có quanh năm để cung cấp cho thị trường.
Nên liên kết các DN đặc sản
Nhằm đưa ra giải pháp để đặc sản đến được tay người tiêu dùng thông qua kênh siêu thị, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Co.opmart, đề xuất: “Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu, trong đó phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ thể hiện chất lượng của sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, bao bì nhãn mác cũng phải phù hợp với quá trình vận chuyển và bảo quản”.
Ông Nhân nhấn mạnh thêm, những sản phẩm đặc sản của các làng nghề phải được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng và những lợi ích mà sản phẩm sẽ mang lại cho khách hàng. Đồng thời, yếu tố tiên quyết và cốt yếu để hàng đặc sản vào hệ thống siêu thị là cơ sở phải đảm bảo sự ổn định của nguồn hàng và chất lượng sản phẩm.
Để làm được điều này, ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Phụng Hoàng, chủ cơ sở tàu hũ ky tươi Mỹ Hòa, chia sẻ: “Vì nguồn vốn khó khăn nên DN phải chủ động sử dụng thế mạnh về nguyên liệu, nguồn lao động và thế mạnh địa phương. Chủ động tính toán lâu dài để đảm bảo nguồn cung ổn định”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho biết các cơ sở sản xuất cần tận dụng chính sách từ phía chính quyền. Hiện nay các tỉnh, TP đều có chính sách khuyến công và chính sách xúc tiến thương mại. Trong khuyến công có hỗ trợ tư vấn để thay đổi máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất; còn xúc tiến thương mại giúp cơ sở quảng bá sản phẩm. Nếu các DN tự quảng bá sản phẩm thì niềm tin của khách hàng không cao so với cách cơ quan quản lý nhà nước truyền thông.
Một giải pháp khác cũng được đánh giá cao đến từ bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC. “Vấn đề cốt lõi là phải hình thành các câu lạc bộ làng nghề, liên kết lại để có một sự kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là thế mạnh để DN sản xuất đặc sản đàm phán với các đối tác, trong đó có các siêu thị. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục truyền thông quyết liệt để đặc sản vào siêu thị một cách bền vững và tích cực” – bà Hạnh nói thêm.
Làng nghề cần được hỗ trợ kỹ thuật
Nhà nước nên hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị cho các DN vì đây là hạn chế lớn nhất. Đồng thời, cần hỗ trợ để DN thiết lập được chiến lược kinh doanh dài hạn với những định hướng, mục tiêu rõ ràng theo từng mốc thời gian.
Ông TRẦN QUỐC TUẤN, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh
Cần cơ chế thoáng hơn
Cái cần hiện nay đối với cơ sở làng nghề là Nhà nước làm sao cho cơ chế thủ tục nhanh gọn, thông thoáng để cơ sở phát triển tốt.
Bà BÙI THỊ DUNG, Tổng Thư ký Hội DN An Giang
GIA TUỆ (PLO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)