Tòa soạnThư đi – tin lại

Hàng dỏm “bao vây” người tiêu dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Chất lượng hàng hóa luôn được người tiêu dùng quan tâm (ảnh chụp tại siêu thị)

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, lực lượng chức năng TP lại phát hiện nhiều loại hàng dỏm được đưa vào thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng khi mà nhu cầu mua sắm vào những tháng cuối năm đang gia tăng.
Hàng dỏm không mời cũng đến
Vào đầu tháng 10, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện một kho chứa thực phẩm khô nhập lậu từ Trung Quốc tổng lượng hàng gần 21 tấn gồm rau biển khô, bột ngọt, trị giá khoảng 730 triệu đồng. Tại kho hàng số 21 Nguyễn Xuân Phụng (Q.6), cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 500 thùng bánh kẹo Trung Quốc nhập lậu.
Cuối tháng 10, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Cảnh sát giao thông TP tiến hành kiểm tra và phát hiện ba trường hợp vận chuyển, tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch chuyển từ hướng Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã tịch thu và tiến hành tiêu hủy 367kg sản phẩm động vật, trong đó có 200kg thịt gà; 112kg thịt heo; 55kg lòng heo, gà.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Q.Tân Phú cũng phát hiện gần 15 tấn thịt bò đông lạnh xuất xứ từ Mỹ đã bị tụ huyết, đổi màu xanh đen chứa tại kho của liên hiệp trong Khu công nghiệp Tân Bình.
Chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 5 đến ngày 12-10-2011), Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 226 vụ vi phạm. Số hàng bị thu giữ phần lớn là hàng ngoại nhập lậu. Trong đó có 3.113kg phân u-rê Trung Quốc, 1.615 hộp thực phẩm chức năng sản xuất tại Hàn Quốc, 190 hộp tân dược ngoại, 2.996 gói thuốc lá ngoại, 3.000kg vải nhập khẩu tiêu thụ không đúng quy định.
Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bắt giữ chiếc xe ô tô mang biển số 34K-5911 do tài xế Lê Đại Thắng ngụ tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vận chuyển số lượng lớn hàng Trung Quốc nhập lậu. Tang vật trên xe gồm 88 thùng bia, 24 thùng rượu, 38 thùng nước ngọt, 13 thùng sữa tươi, 15 thùng nước tương, 6 thùng gia vị, 1 thùng dầu ăn, 50kg thịt động vật sơ chế khô đã thối rữa, 7 thùng chân gà đóng gói, 3 thùng ớt và 17 tấn khoai tây. Tài xế xe khai nhận số hàng lậu trên được chuyển từ Quảng Ninh, trên đường đưa vào TP.HCM tiêu thụ.
Diễn biến còn phức tạp
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết:“Trong quý III – 2011, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã thu giữ 723.902 đơn vị sản phẩm hàng cấm, hàng lậu, hàng giả các loại, 13.840 mét vải và 47,5 tấn hàng hóa khác, trị giá hàng vi phạm hơn 15 tỷ đồng. Ngoài hàng lậu, hàng giả, lực lượng chức năng còn phát hiện 979 vụ vi phạm về kiểm dịch (tăng 96 vụ so với cùng kỳ quý trước) và 241 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù lượng hàng hóa vi phạm bị bắt giữ so với thực thế là rất ít nhưng hàng loạt số liệu nêu trên đủ cho thấy rằng hàng giả, hàng dỏm đang “bao vây” người tiêu dùng”.
Các vụ vi phạm bị bắt giữ trong thời gian gần đây nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng ngoại không có chứng từ hóa đơn, không có nhãn phụ tiếng Việt, nhập lậu. Theo thông tin của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, càng về cuối năm tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm càng tăng. Đặc biệt là hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc. Để hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng kinh doanh bất chính này dùng thủ đoạn làm mới nhãn mác, hạn sử dụng, thay đổi xuất xứ, tráo hàng qua bao bì khác để lừa người tiêu dùng. Địa điểm tiêu thụ phần nhiều là các chợ lẻ, tiệm tạp hóa, chợ tạm tại các khu công nghiệp… Ông Đức đánh giá: “Tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường diễn biến còn rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm. Để kiểm soát thị trường, Chi cục Quản lý thị trường TP phối hợp với nhiều lực lượng khác tăng cường khâu kiểm tra và xử lý”.
Để hàng lậu, hàng dỏm, hàng giả bớt “tàn phá” thị trường, ông Đức cho rằng, ngoài nỗ lực của các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần hỗ trợ lực lượng chức năng trong khâu kiểm tra, phát hiện. Cụ thể là thông báo các trường hợp vi phạm và nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giá rẻ bất thường, kém chất lượng.
Bài, ảnh: Thái khuê

Bình luận (0)