Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng giả, hàng nhái: “Thập diện mai phục”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng giả, hàng nhái làm “đau đầu” không chỉ người tiêu dùng, doanh nghiệp, mà còn cả các cơ quan chức năng. Đã có quá nhiều văn bản pháp lý liên quan, nhưng điều tra và xử lý vẫn vướng như gà mắc tóc khiến hàng giả ngày càng tràn lan…

Giả cả tem chống giả!
Nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay tràn lan ở nhiều mặt hàng, từ những mặt hàng thông thường như mỹ phẩm, quần áo, túi xách, xi măng, phụ tùng xe máy…, những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người như thuốc tân dược, rượu, một số thực phẩm… đến những mặt hàng cao cấp, có giá trị lớn như đầu VCD, DVD… Và cả đến “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả!
Lamcome, nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, cũng bị hàng giả tấn công – Ảnh Thi Na
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả, hàng nhái (VATAP), bây giờ hàng giả, hàng nhái được “cập nhật” rất nhanh. Nếu trước đây, phải trên nửa năm sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới, hàng giả, hàng nhái mới xuất hiện, thì nay, chỉ cần nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã có mặt trên thị trường. Theo số liệu Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM vừa công bố tuần qua, lượng hàng giả trong bốn tháng đầu năm nay tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Hà Đức Minh, Giám đốc tiếp thị của Nokia khu vực Đông Dương, cho rằng, tất cả nhãn hiệu, sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường đều đang đối mặt với nạn hàng giả. Vì thế, đôi khi hàng giả lại được tiêu thụ trên thị trường nhiều hơn hàng thật, gây thiệt hại về uy tín, doanh thu cho các nhà sản xuất chân chính. Ông Đức Minh cho biết: “Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng hầu hết sản phẩm của chúng tôi đều bị hàng giả bủa vây.
Thiệt hại rất lớn nhưng quan trọng hơn, sự mất niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu là không thể đo đếm”. Ông Minh kể, ông đã thử làm một cuộc “thâm nhập” ở TP.HCM và ở bất cứ cửa hàng nào, chỉ cần đưa ra yêu cầu cũng có thể được đáp ứng ngay với các loại điện thoại Nokia giả, giá chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng.
Tương tự, ở mặt hàng mỹ phẩm, trên thị trường hiện nay có đến hàng trăm loại mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, L’Oréal, Maybelline… bị làm giả. Điều đáng nói là không chỉ xuất hiện ở chợ, tại các thành phố lớn, mỹ phẩm giả còn tràn vào các cửa hàng, thậm chí là các trung tâm thương mại lớn và được bày bán công khai.
Bà Trinh, đại diện của Công ty Mỹ phẩm L’Oréal Việt Nam, cho biết, công nghệ làm hàng giả hiện nay rất tinh vi, nên hàng giả nhìn y như hàng thật. “Khi mang sản phẩm giả mua từ các cửa hàng chính hãng của L’Oréal về Công ty, nhiều nhân viên không phân biệt được hàng giả với hàng thật vì mẫu mã bao bì rất giống nhau. Chỉ đến khi mở sản phẩm ra thì mọi người mới biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, bà Trinh kể.
Ở lĩnh vực thời trang, các nhãn hiệu nổi tiếng như Addidas, Armani, Levis, Louis Vuitton… bị làm giả nhiều nhất vì có lợi nhuận cao. Chiếc túi Louis Vuitton giả chỉ có giá vài triệu đồng so với chiếc túi chính hãng có giá 30 – 40 triệu đồng. Điều đáng nói, các loại hàng giả này xuất hiện ngay trong cả các trung tâm thương mại lớn như Thương xá Tax, Sài Gòn Square, Lucky Plaza…
Thậm chí, những nhãn hiệu này cũng bị hàng giả cấp thấp tấn công, chỉ có giá vài trăm ngàn đồng. Xuất xứ hàng giả cũng đủ loại nhưng chủ yếu từ Trung Quốc và hàng sản xuất trong nước. Hàng giả cũng bắt đầu đánh lâán cả các các thương hiệu thời trang nội địa có tiếng như Việt Tiến, Việt Thy, Ninomaxx, Foci… Khi các thương hiệu này tung ra bộ sưu tập mới, thì chỉ vài ngày sau, tại các chợ Tân Bình, An Đông, Bà Chiểu… đã xuất hiện những sản phẩm nhái giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu, giá bán rẻ hơn một nửa so với hàng chính hãng.
Riêng Việt Tiến thì không chỉ bị làm giả sản phẩm, mà ngay cả logo, tên thương hiệu của các cửa hàng cũng bị nhái. Không là trường hợp ngoại lệ, nước uống đóng chai cũng có hàng giả và bị làm giả nhiều nhất là nước khoáng La Vie, nước tinh khiết Aquafina… Ông Gilles Duc, Tổng giám đốc Công ty TNHH La Vie, cho biết, Công ty bị ảnh hưởng không ít từ hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.
Người tiêu dùng… ngây thơ?
Theo các chuyên gia, để trừ nạn hàng nhái, hàng giả, phải có sự kết hợp từ nhiều phía: cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng… Ông Nguyễn Mộng Hùng, Hội trưởng Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM (Hội), cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam… hiền quá!”. Hàng giả, hàng nhái tràn lan như thế, nhưng số người tìm đến Hội còn rất ít. Cả nước có đến 87 triệu dân nhưng mỗi năm, Hội chỉ nhận chưa đầy 1.500 vụ khiếu nại từ người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, tuy nhiên, số người khiếu nại ít hơn nhiều so với số bị thiệt hại thực tế. Còn theo các cán bộ của VINASTAS, sở dĩ người tiêu dùng ít khiếu nại vì ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất thời gian và không biết khiếu nại có đem lại kết quả hay không.
Trong khi đó, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, số người tiêu dùng đến các cơ quan chức năng khiếu nại vì mua nhầm hàng giả, hàng nhái khá đông. Chẳng hạn, Malaysia với dân số khoảng 25 triệu người, nhưng mỗi năm có đến 15.000 khiếu nại về hàng hóa gửi đến các cơ quan chức năng. Đài Loan cũng thế, với dân số chỉ khoảng 24 triệu người nhưng mỗi năm, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý 10.000 vụ khiếu nại về hàng nhái, hàng giả.
Theo quy định hiện nay, người tiêu dùng có quyền kiện nhà sản xuất, kinh doanh nếu sản phẩm không đúng như công bố, gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Thế nhưng, “Chẳng có người tiêu dùng nào đứng ra kiện doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng cả. Bởi muốn kiện, người tiêu dùng phải chứng minh được sản phẩm đó không đúng với công bố của doanh nghiệp. Mà để làm được điều này thì phải tốn rất nhiều chi phí và thời gian, có khi cả năm sau mới có kết quả”, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng phía Nam, khẳng định.
Bên cạnh đó, mặc dù số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái những năm qua là rất nhiều, song số vụ bị xử phạt còn khá khiêm tốn cũng do cơ quan chức năng xử phạt còn quá nhẹ tay. Chẳng hạn, những người sản xuất, buôn lậu rượu giả lãi hàng tỷ đồng, nhưng nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng, nên chẳng ai sợ. Không ít người làm hàng giả, hàng nhái sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi…
MINH HÀO / DNSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)