Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng giả thách thức hàng thật

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng giả, hàng nhái đang lũng đoạn thị trường và có nguy cơ “bóp chết” những mặt hàng có chất lượng và thương hiệu, đồng thời làm thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước. 

Trong khi đó chúng ta đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan như thuế vụ, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan để ngăn chặn những hàng giả, hàng nhái. Nhưng hiện trên địa bàn TP.Hà Nội, các mặt hàng túi xách, chăn màn, quần áo, mũ bảo hiểm, nước hoa, mỹ phẩm… nhập lậu, kém chất lượng, giả nhãn mác của các thương hiệu lớn vẫn được bày bán công khai.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán công khai.
Hàng hiệu giá bình dân
Tại “thiên đường” mua sắm phố Chùa Bộc, một chiếc túi giả hiệu Louis Vuitton được bán với giá 170.000đ, trong khi túi chính hãng phải từ 1.500USD đến 3.000USD. Còn tại một số trang mua bán trực tuyến, một số mặt hàng của các hãng nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton được chào bán với giá giật mình. Một đôi giày thể thao nhãn Nike NK0850 được Thegioigiay.vn rao giá 350.000đ, đôi Adidas giá 348.000đ và đôi giày da của Louis Vuitton 950.000đ (giá thực tế của đôi giày chính hãng không dưới 500USD)… Tháng 11 là tháng khuyến mãi nên nhiều cửa hàng thời trang cũng trưng biển bán hàng giảm giá hay xả hàng và có những mặt hàng giảm tới 50%. Đây là những mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ dù đủ các nhãn mác nổi tiếng, nhưng người bán khẳng định đây là hàng Trung Quốc.
Theo anh Vương – chủ một cửa hàng thời trang ở quận Thanh Xuân –  cho biết, hàng giờ lấy nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ nguồn Quảng Đông (Trung Quốc) và Sài Gòn, hàng Sài Gòn giờ đường kim, mũi chỉ cũng sắc, tinh tế chứ không thô như trước.
Hàng thật than trời
Chủ thương hiệu chăn ga gối đệm Happiness – bà Vũ Thị Nguyên – cho biết: Hàng giả, hàng nhái đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu Happiness và cả làng nghề Trát Cầu của bà, vì hiện rất nhiều các loại chăn ga, gối, đệm nhập khẩu từ Trung Quốc, hay các sản phẩm gia công kém chất lượng được bày bán đều được gắn thương hiệu “Trát Cầu”. Nhiều tư thương vì lợi nhuận đã mua chăn ga của làng nghề về gắn mác của các hãng lớn để bán, làm mất uy tín của chúng tôi. Cùng chia sẻ trên, ông Nhữ Văn Vinh – chủ thương hiệu mũ bảo hiểm Như Mai – cho biết, trên thị trường Hà Nội có đến 80% số mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng như: Không nhãn mác, chỉ có vỏ nhựa và một lớp lót mỏng, không có xốp và dán tem CR… nhưng vẫn được bày bán với giá từ 30.000 – 70.000đ/chiếc, trong khi đó một chiếc mũ bảo hiểm được sản xuất đúng tiêu chuẩn có giá từ 250.000 – 1.000.000đ/chiếc.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 127 TP.Hà Nội, trong 10 năm qua, đã kiểm tra và phát hiện trên 16.000 vụ hàng nhập lậu và gần 10.000 vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ… Nhưng đến nay hàng giả, kém chất lượng vẫn đang được bày bán công khai, ngang nhiên thách thức các cơ quan chức năng và các nhà sản xuất. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN thì các cơ quan như CA, QLTT, thuế… cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm với chế tài xử phạt thật nặng các đơn vị, cá nhân SXKD các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Và quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng, bởi hiện người tiêu dùng đang đánh đổi tính mạng và sức khỏe của mình khi ham rẻ, mua những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Đặng Tiến
Theo Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)