Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, mặc dù lực lượng chức năng tích cực ra quân kiểm tra nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Và càng những tháng cuối năm thì tình trạng hàng gian, hàng giả càng phức tạp…
Cục Quản lý thị trường TP.HCM giám sát việc tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: A.K
Khó kiểm tra, xử lý bán hàng trực tuyến
Bà Vương Thanh Liễu – Phó Chủ tịch UBND quận 6 – chia sẻ, ở góc độ chức năng quản lý, khi nhận được thông tin của Chi cục Thuế về các đơn vị, cá nhân bán hàng vi phạm, trong đó có bán hàng trực tuyến thì quận phối hợp kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, hiện nay bán hàng trực tuyến khó kiểm tra, xử lý; điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa người bán hàng trực tiếp có cửa hàng, có đóng thuế, tốn chi phí mặt bằng.
Ông Đỗ Thanh Sơn – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6 – cũng cho biết, đơn vị thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về hàng giả, hàng kém chất lượng sau đó tiến hành xử lý hoặc báo cáo Cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, xuất phát từ cạnh tranh không lành mạnh giữa tổ chức, cá nhân nên một số thông tin phản ánh không chính xác gây khó khăn cho đội kiểm tra.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2023, cục đã kiểm tra 53.146 vụ chuyên ngành và liên ngành. Theo đó, xử phạt và nộp ngân sách hơn 73 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 54 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 111 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy hơn 5,6 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 10, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 972 vụ chuyên ngành và liên ngành. Kết quả, xử lý 479 vụ, thu nộp ngân sách hơn 9,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ sản xuất hàng giả.
Một số mặt hàng trọng điểm được lực lượng chú trọng kiểm tra gồm: thuốc lá, đường cát, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm… Đáng chú ý, các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Việc các cá nhân tạo lập tài khoản, sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó xác định được đối tượng, kho hàng vi phạm. Chưa kể, hoạt động giao – nhận hàng hóa thông qua bên dịch vụ chuyển phát, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy với số lượng ít nên khó kiểm tra, phát hiện các vi phạm.
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM xử phạt 82,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 1.200kg túi ni-lông dùng để đựng thực phẩm. Ảnh: A.K
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM – khẳng định, hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử như bán hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội thực chất là đan xen, bổ trợ nhau chứ không độc lập, không khác biệt. Để quản lý thị trường được tốt, Cục Quản lý thị trường TP đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra kinh doanh truyền thống để xử lý hàng hóa vi phạm nếu có. Đây cũng là xử lý vi phạm kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử. Bởi mục đích cuối cùng của bất cứ hình thức kinh doanh nào cũng là bán được hàng cho người tiêu dùng. Muốn bán được hàng thì phải có hàng sản xuất, dự trữ…
Theo ông Huy, trước, trong, sau các dịp lễ, các tháng cuối năm là thời điểm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc được bày bán rộng rãi, công khai, thậm chí đánh đúng tâm lý người tiêu dùng là giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã nhưng tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng không đảm bảo. Do đó, đây cũng là thời điểm cục chỉ đạo các đội tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, tăng cường quản lý địa bàn nhằm phát hiện những hành vi vi phạm để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất.
Người tiêu dùng hãy trang bị khả năng tự bảo vệ
Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trên địa bàn TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ quyền lợi của người dân. Tuy nhiên tình hình gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, tác động xấu đến môi trường đầu tư và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu – Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương TP.HCM – cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng đã mở rộng trách nhiệm tham gia của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong vai trò cơ quan giám sát, thời gian qua Ban Pháp chế, HĐND TP.HCM đã khảo sát công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đặt vấn đề phòng chống gian lận thương mại trên địa bàn TP để xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc quản lý thị trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP – cho biết, trong quá trình khảo sát nổi lên vấn đề quy chế phối hợp của các sở, ngành TP trong phòng chống gian lận thương mại thời gian qua chưa tốt, trong khi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Để công tác phòng chống hàng gian, hàng giả tốt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới Sở Công thương nên tham mưu để UBND TP xây dựng quy chế đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện, lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn TP; từng bước góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.
Ông Huy khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng, đặc biệt trên các trang mạng xã hội cần tìm hiểu rõ đối tượng kinh doanh, nguồn gốc, giấy tờ mua bán chứng minh giao dịch để tránh mua phải hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, người tiêu dùng có thể gửi đơn thư đến Cục Quản lý thị trường TP.HCM. Thông tin phản ảnh được giữ bí mật theo quy định. Khi có kết quả giải quyết cục sẽ thông tin lại cho người tiêu dùng để tiếp tục giám sát; người tiêu dùng cũng có thể gọi đến đường dây nóng: 028 3932 1014; 1900 88 655 hoặc gửi thư tới địa chỉ bcd389@tphcm.gov.vn, cqltt@tphcm.gov.vn.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)