Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng hiệu cạnh tranh bằng giá mềm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ đồ ăn mới của công ty sứ Minh Long có tên Cỏ Tím với giá mềm rất được người tiêu dùng chú ý. Tuy nhiên, một số khách đặt câu hỏi: liệu có phải Minh Long đang hạ thấp hình ảnh của mình bằng cách cho ra những sản phẩm với giá bình dân và chất lượng có thể là… xoàng? Đây là câu hỏi không riêng của Minh Long.

Ông Lý Ngọc Minh, chủ công ty Minh Long 1, đang giới thiệu bộ Cỏ Tím với hoa hậu Hương Giang tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở TP.HCM cuối tháng 4.2011.

 

Ông Lý Huy Sáng, phó tổng giám đốc của công ty TNHH Minh Long 1, cho biết: “Bí quyết của chúng tôi để có giá thành của Cỏ Tím thấp hơn là: chọn kiểu dáng giản dị hơn, dễ sản xuất, hoa văn đơn giản từ đó việc hợp lý hoá quy trình giúp hiệu suất nhà máy cao hơn, nên chi phí thấp hơn. Chất lượng và độ an toàn của sản phẩm này không thua kém gì các sản phẩm trước đây. Ngày càng chú trọng hơn thị trường nội địa, chúng tôi muốn ngày càng nhiều người Việt Nam có thể sở hữu sản phẩm của Minh Long”.
Có tồn tại hàng hiệu giá mềm?
Không chỉ Minh Long hướng đến một phân khúc thị trường bình dân hơn thông qua giá cả, công ty sữa Nutifood thời gian gần đây cũng giới thiệu sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng cho thị trường nông thôn và các khu chế xuất dành cho công nhân. Sản phẩm này đã có mặt từ năm 2007, nhưng đối tượng khi đó là nhân viên văn phòng tại các khu vực thành thị. Khi về nông thôn, doanh nghiệp này làm mới lại bao bì và thay đổi trọng lượng, giảm giá thành để phù hợp nhu cầu phân khúc này. Ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại của Nutifood, cho biết: “Tuy định hình dành cho nhóm tiêu dùng bình dân, nhưng sản phẩm mang logo của Nutifood nên chúng tôi phải đảm bảo 100% về chất lượng sản phẩm”.
Việt Tiến, từ năm 2010, tung ra dòng sản phẩm mang tên Việt Long dành cho đối tượng công nhân, sinh viên và thanh niên nông thôn. Các thiết kế mang tính hiện đại và đường kim mũi chỉ đều cùng một công nghệ với dòng sản phẩm Việt Tiến cũ. Được sự bảo trợ của thương hiệu mẹ, Việt Long đang dần trở nên quen thuộc với người lao động vì giá cả hợp lý và uy tín về chất lượng.
“Hàng hiệu giá mềm” đã không còn là chuyện xa vời trong thời điểm người tiêu dùng thắt chặt hầu bao như hiện nay.
Hàng hiệu giá mềm có phủ định hàng hiệu gốc?
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn (công ty tư vấn The pathfinder), việc một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường như Minh Long muốn đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng phân khúc tiêu dùng là điều rất bình thường. Trên thế giới, Nokia ra thương hiệu Vertu, Toyota với dòng Lexus đắt tiền, hay ngay tại Việt Nam, Việt Tiến có Sanciaro là thương hiệu cao cấp, lại có Việt Long dành cho nhóm thu nhập bình dân… Đây là cách mở rộng phân khúc bằng những thương hiệu nhánh. Tuy tốn thời gian và tiền bạc để quảng bá cho thương hiệu mới, nhưng lại tạo sự an toàn cho thương hiệu cũ nếu có sự cố với cái mới. Đồng thời, cách làm này cũng hài lòng nhóm khách hàng khó tính, không muốn mất đi vị thế cao cấp của mình, đặc biệt với những sản phẩm mang tính chất bán hình ảnh và đẳng cấp chứ không bán công năng vật lý thông thường.

 

Nutifood có dòng sản phẩm giá thấp phục vụ khách hàng nông thôn. Ảnh: Lê Hồng Thái

 

Riêng trường hợp của công ty Minh Long 1, doanh nghiệp này đang dùng “thương hiệu dù” là Minh Long để bao trùm lên tất cả các dải sản phẩm. Điều này giúp họ tiết kiệm chi phí quảng bá, nhận diện thương hiệu để tập trung vào sản xuất, giảm giá thành cho người tiêu dùng. Cách làm này thể hiện sự tự tin của nhà sản xuất vào uy tín chất lượng của mình. Tất nhiên cũng sẽ có một số khách hàng khó tính sẽ “khó chịu” vì sản phẩm Minh Long không còn là đặc quyền của người giàu nữa.
Trước nguy cơ này, ông Lý Huy Sáng cho biết, Minh Long tuy ra dòng sản phẩm dành cho phân khúc trung bình, nhưng vẫn không bỏ rơi nhóm khách hàng thân thiết lâu nay. Minh Long vẫn tiếp tục tung ra những dòng sản phẩm mới cao cấp với số lượng có hạn, logo và thiết kế chuyên biệt, và còn đang xây dựng một cách phục vụ riêng cho nhóm này, ví dụ như thẻ VIP để mua một số sản phẩm đặc biệt mà không phải cứ có tiền là có thể mua được.
Hiện nay đã có nhiều thương hiệu uy tín ra những dòng sản phẩm khác nhau để người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn mà vẫn có thể an tâm về chất lượng và kiểu dáng. “Hàng hiệu giá mềm” không phải là điều kém thực tế hay chuyện lừa đảo trong xu thế tiêu dùng thời nay. Cái khó của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là lâu nay, vẫn vướng một “cái tật” là những loạt hàng đầu tiên thì đảm bảo chất lượng nhưng những loạt sau đó thì chất lượng phập phù nên thương hiệu không được tin tưởng lâu bền. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng chưa hiểu đầy đủ (cũng do chưa được doanh nghiệp truyền thông đẩy đủ) nên chưa an tâm về những dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu của mình.
Hồng Nguyên (SGTT)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)