Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hàng hóa, cước phí phập phồng theo giá xăng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với Chính phủ về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Dư luận khó đồng tình việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu /// Ảnh: Ngọc Dương - Đồ họa: Phúc Hải - Nguồn: Bộ Tài chính
Dư luận khó đồng tình việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu. ẢNH: NGỌC DƯƠNG – ĐỒ HỌA: PHÚC HẢI – NGUỒN: BỘ TÀI CHÍNH
Như vậy, từ ngày 1.1.2019, thuế bảo vệ môi trường (MT) đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít sẽ lên mức trần 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, dầu mazút, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít. Việc điều chỉnh tăng thuế MT với nhóm hàng xăng dầu, theo các chuyên gia sẽ khiến vật giá tăng theo.
Tăng từ rau, trứng tới cước vận tải
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lấy làm tiếc về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho tăng thuế MT với xăng vào lúc này thay vì yêu cầu tiếp tục cắt giảm chi tiêu thường xuyên hơn nữa. Bởi tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời thường, nền kinh tế quốc dân và cạnh tranh quốc gia.
Ông Doanh nói: “Chi phí vận tải tăng thì từ mớ rau, quả trứng đến sản phẩm dịch vụ tại VN sẽ tăng trong năm tới. Hàng hóa sản xuất trong nước càng khó cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia ASEAN đang vào VN hơn. Tính độ trễ thì sau 3 tháng tăng giá xăng dầu, các tác động đến nền kinh tế mới thấy rõ. Trong đó, chỉ số lạm phát tăng, rồi các mặt hàng sắt thép, xi măng tăng, kéo theo giá bất động sản có cơ hội tăng nữa. Tôi hoàn toàn không ủng hộ giải pháp tăng thuế MT với nhóm hàng xăng dầu bằng giải thích chỉ để bảo vệ MT”.

Không chỉ giá vận tải mà nguy cơ giá dịch vụ logistics nói chung bao gồm thuê bãi, dịch vụ bốc xếp, lưu kho… đều tăng. Ông Nguyễn Lý Trường An, chuyên gia logistics, kể trong một lần giá xăng đột ngột tăng đến 1.500 đồng/lít, lên hơn 18.000 đồng/lít, nhân viên bốc xếp hàng hóa của công ty thuê tại cảng sáng ra đã “biểu tình” đòi tăng tiền công hằng ngày lên đến 25% với lý do… giá xăng tăng.

“Họ chưa hiểu thực chất vấn đề xăng tăng thế nào, nhưng nghe xăng tăng giá là tự động yêu cầu tăng giá lao động ngay. Nhiều hãng vận tải cũng gửi bảng báo giá mới, bất chấp những thỏa thuận giá cả trước đó. Hành vi này coi như “tát nước theo mưa” mà nhiều doanh nghiệp (DN) đã gặp phải. Như vậy, bất luận thế nào, tăng thuế bảo vệ MT vào giá xăng là cái cớ tốt nhất để đồng loạt các mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh khác làm giá. Đối tượng chịu khổ cuối cùng là DN bởi chi phí của họ tính tổng kết lại đội lên rất nhiều”, ông An chia sẻ.
Xăng chưa phải là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường
Ông Lê Đăng Doanh thẳng thắn đề nghị Quốc hội nên tìm giải pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, tiết kiệm hơn là tăng thu vào giá xăng. Chi thường xuyên trong nhiều năm liên tiếp đều chiếm hơn 70% tổng chi ngân sách nhà nước, có giai đoạn chi hơn 80%.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý, song tại phiên họp toàn thể Quốc hội sắp tới, theo tôi Quốc hội cần xem xét cẩn trọng để chưa thông qua đề xuất tăng thuế MT với xăng dầu trong năm tới”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói việc đánh thuế bảo vệ MT vào mặt hàng xăng chỉ là cái cớ để tăng thu vào xăng, là oan cho mặt hàng xăng về vấn đề khí thải gây ảnh hưởng MT.
“Theo nghiên cứu của tôi thì thủ phạm gây ô nhiễm MT lớn nhất là nhóm sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chiếm trên 50% tổng các loại gây hiệu ứng nhà kính. Với tỷ lệ này, nhóm sản xuất xuất khẩu chế biến đang gây ô nhiễm MT cao gấp 3 lần mức bình quân cho phép của nền kinh tế. Nên nói xăng dầu gây ô nhiễm MT là cái cớ để thuyết phục Quốc hội tăng thu vào giá xăng mà thôi. Hơn nữa, tăng giá xăng là tăng thu từ dân, đây là cách làm dễ nhất trong các cách tăng thu khác. Nên nhớ, cách dễ nhất cũng là cách nguy hiểm cho nền kinh tế nhất bởi nó có tác động hàng loạt, không riêng gì một DN hay vài ba cá nhân”, ông Trinh nhận xét.
“Để thuyết phục các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới, đề nghị Bộ Tài chính đính kèm tờ trình đề xuất tăng thuế bảo vệ MT vào giá xăng, báo cáo kết quả sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ MT với mặt hàng xăng dầu được sử dụng hiệu quả ra sao. Tiền thuế MT phải chi lại cho hoạt động bảo vệ MT cụ thể thế nào để người dân thấy đúng và sòng phẳng cũng là điều cần xem xét”, ông Bùi Trinh nói thêm và lưu ý nếu điều chỉnh thuế MT với xăng dầu như đề xuất thì ngân sách mỗi năm tăng thêm 15.700 tỉ đồng, số tiền lớn này cần được minh bạch trong chi xử lý MT.
Xăng tăng giá gần 300 đồng/lít
Chiều qua (21.9), liên bộ Công thương – Tài chính đã cho phép DN được tăng giá bán xăng dầu. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 320 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 293 đồng/lít. Dầu cũng tăng từ 26 – 124 đồng mỗi lít, ki lô gam tùy loại. Sau khi điều chỉnh, hiện giá xăng E5 RON 92 phổ biến ở mức 20.230 đồng/lít; xăng RON 95 là 21.770 đồng/lít. Giá dầu diesel không quá 18.126 đồng/lít, dầu hỏa không quá 16.683 đồng/lít và dầu mazút không cao hơn 14.942 đồng/kg. Liên bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích sử dụng Quỹ bình ổn với xăng, dầu như cách đây 15 ngày (chi cho xăng E5 RON 92 là 1.563 đồng mỗi lít; RON 95 là 960 đồng; dầu diesel và dầu hỏa lần lượt 400 và 300 đồng mỗi lít).
Chí Hiếu

Nguyên Nga/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)