Năm 2012, năm thứ 3 liên tiếp TPHCM triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường. Cùng với việc tăng nguồn hàng, đảm bảo cung cầu thị trường với mức giá thấp hơn 15%, chương trình đã góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển, định hình được thương hiệu Việt trên thị trường, đẩy lùi hàng ngoại nhập
Tăng lượng hàng, tăng điểm bán
Theo Sở Công thương TPHCM, sau 6 tháng triển khai bình ổn đối với 3 nhóm mặt hàng, lượng hàng hóa của chương trình đáp ứng 21% – 48% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên TP, với số lượng tăng 5,4% – 48,9% so với năm 2011. Cụ thể, tập học sinh đạt 17,5 triệu quyển (tăng 21,5%); đồng phục học sinh 590.000 bộ (tăng 5,4%); cặp, ba lô, túi xách 670.000 cái (tăng 48,9%).
Tháng 8 vừa qua là tháng cao điểm phục vụ mùa khai giảng, lượng hàng cung ứng cả 3 nhóm đều đạt kết quả cao, tăng 1,6 – 3,6 lần so trung bình các tháng còn lại của chương trình. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) trong tháng 8 tăng khá cao, đạt 107,3 tỷ đồng. Ước doanh thu trong 6 tháng đạt 370,9 tỷ đồng, tăng 162,2 tỷ đồng (tương ứng tăng 78%) so chương trình năm 2011.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tìm hiểu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu chính là từ cây lục bình phơi khô của Công ty cổ phần Artex Saigon.
Đáng lưu ý, giá bán các mặt hàng không tăng so với năm 2011 và đảm bảo thấp hơn giá thị trường 15% đã chi phối, tạo sức lan tỏa sang các sản phẩm ngoài chương trình.
Trong quá trình thực hiện các DN đã chủ động sản xuất, có kế hoạch tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, cung ứng hàng hóa, chấp hành quy định chương trình.
Đặc biệt, thời gian cao điểm mùa khai giảng vừa qua, các DN đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối, cung ứng lượng hàng dồi dào, vượt kế hoạch, đảm bảo cung cầu, dẫn dắt, ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Các DN đã triển khai 512 điểm bán, tăng 139 điểm so với đầu chương trình, gồm 133 siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách; 53 cửa hàng tiện lợi và 326 điểm bán trong khu dân cư.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH túi xách Hương Mi (thương hiệu sản phẩm Hami), cho biết, so với những năm trước, năm nay Hương Mi đã có bước phát triển vượt bậc. Về điểm bán, công ty đã phát triển 50 điểm phân phối các loại cặp sách, ba lô; về sản lượng cũng tăng 100%, từ 200.000 sản phẩm tham gia chương trình bình ổn năm 2011, năm nay đã tăng lên 400.000 sản phẩm. Chương trình triển khai vào tháng 4, nhưng ngay trong tháng 3, công ty đã đăng ký giá bán và cố gắng giữ nguyên mức giá bình ổn cho đến cuối chương trình.
Trong quá trình đó, công ty cũng gặp không ít khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhưng công ty vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng lợi nhuận thấp để bán được số lượng lớn…
Mặt khác, do giá hàng bình ổn thấp hơn nhiều so với giá thị trường (chỉ dừng ở mức 160.000-220.000 đồng/chiếc cặp học sinh) nên mức tiêu thụ rất tốt. Đây cũng là cơ sở để mặt hàng Hami và của các DN tham gia chương trình từng bước chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi hàng ngoại. Ông Dũng cũng cho biết, trong mùa khai trường sắp tới, Hương Mi sẽ phối hợp với các sở, ngành để đưa hàng hoá đến tận các trường để phục vụ tốt nhất nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Theo nhận định của Sở Công thương, mùa khai trường năm nay, ngoại trừ mặt hàng bút viết hàng ngoại còn khá nhiều, nhưng đối với 3 nhóm mặt hàng bình ổn như đồng phục, cặp – ba lô – túi xách, tập vở thì hàng trong nước đã chiếm lĩnh tới 90%
thị phần.
Cần tăng danh mục hàng bình ổn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường đã bước sang năm thứ 3 nên các DN đã có nhiều kinh nghiệm, triển khai bài bản, chuyên nghiệp, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng nên cung ứng đầy đủ hàng hóa, đa dạng, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, thông qua mạng lưới phân phối phát triển sâu, rộng đã chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi hàng ngoại nhập. Chương trình đã gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, từng bước định hướng, khuyến khích người tiêu dùng, giáo dục các em học sinh có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Để chuẩn bị tốt cho năm học 2013 – 2014, UBND TP giao Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện, Ban quản lý các KCN – KCX để xây dựng kế hoạch đưa hàng hóa của chương trình phục vụ người dân tại các trường học, chợ, KCN; Các DN tiếp tục xây dựng kế họach phát triển mạng lưới phân phối, trong đó ưu tiên các quận ven, huyện ngọai thành.
Sở Công thương phối hợp Sở Thông tin – Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xuyên suốt nhằm định hướng, thông tin cho người dân biết và mua sắm hàng hóa của chương trình. Sở Công thương, Sở GD-ĐT phối hợp các sở – ngành nghiên cứu, tham mưa cho TP bổ sung mặt hàng tham gia chương trình năm học mới, ví dụ như nước uống, bút viết, mắt kính…
Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc gia nhận và phân phối hàng hóa chương trình của hệ thống phân phối của các DN đầu tư nước ngoài. Tại mỗi siêu thị, nhà sách cần bố trí trưng bày các mặt hàng bình ổn ở vị trí thuận tiện để người dân dễ nhìn, dễ thấy nhất. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các sở, ngành chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn các hành vi sản xuất hàng gian, hàng giả, kém chất lượng đưa ra thị trường làm thiệt hại cho DN chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, sinh viên.
Chương trình bình ổn mùa khai trường 2012-2013, TPHCM tiếp tục thực hiện đối với 3 nhóm mặt hàng gồm: tập vở, đồng phục và cặp – ba lô – túi xách học sinh. Tổng nguồn vốn cho vay tạm ứng thực hiện chương trình là 16,1 tỷ đồng, giảm 9,1 tỷ đồng so với năm 2011. Có 12 DN đăng ký tham gia (tăng 2 DN so năm 2011), trong đó có 6 DN không nhận vốn, 4 DN nhận vốn một phần và chỉ có 2 DN nhận vốn toàn bộ. Thời gian thực hiện chương trình từ 1-4-2012 đến 30-9-2012. |
THÚY HẢI (SGGP)
Bình luận (0)