Giới bán quần áo hiệu xách tay từ Mỹ về thường hay lui tới những sạp bán quần áo tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) để săn đồ sida rồi về tẩy hấp lại, ngâm nước xả thành hàng hiệu! |
Không cần tốn nhiều thời gian dạo quanh các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Diamond Plaza, Vincom… người tiêu dùng vẫn thỏa sức tìm cho mình một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ngay tại… các chợ. Đẹp thì mặc, hợp thì mua nên đa số người tiêu dùng không mấy nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của các loại trang phục đóng mác hàng hiệu, hàng xách tay ở “bển” về (hàng xách tay từ Mỹ – PV)…
Đồ sida + nước xả = hàng hiệu
Trong vai trò một khách hàng đi tìm nơi mua sỉ quần áo hàng hiệu đã cũ, chúng tôi tìm đến “thiên đường” đồ sida trên đường Phạm Phú Thứ (Q.Tân Bình). Hàng chục người tranh nhau bới móc một đống quần áo bùi nhùi, chiếc này cuộn vào chiếc kia, nhăn nhúm trông rất nhớp nháp. Thỉnh thoảng, một phụ nữ mặt bịt kín khẩu trang quăng vào sọt nhựa một vài chiếc áo khoác hiệu Levi’s, quần jeans hiệu CK, áo thun hiệu Lacoste… Từ đống này qua đống khác, quần áo cứ thay phiên nhau nằm vung vãi trên thềm vỉa hè.
Tại một đống đồ được chủ “vựa” quần áo cho là hàng từ Mỹ đưa về, một phụ nữ tên Hồng tóc uốn màu nâu nhạt, người dong dỏng cao đứng chấp tay phía sau và quan sát. Người phụ nữ này thuê 3 người đàn ông (với giá 100 ngàn đồng một buổi) có gương mặt bặm trợn, vành mũ quay lại sau lưng, tay xăm rồng xăm phụng để “giành” được đồ tốt nhất. Qua tìm hiểu, được biết những phụ nữ như chị Hồng là chủ các shop bán quần áo thời trang hàng hiệu trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Trường Chinh (Q.Tân Bình) vì mục đích “bán một lời mười” nên lặn lội đi tìm quần áo sida sau đó về “tân trang” lại để bán cho khách. “Khi mua quần áo tạp nham em phải xem nhãn mác trước rồi mới xem tới chất liệu. Mác có hỏng cũng không sao, ngoài chợ Kim Biên mác bán rẻ bèo, y như thật, tha hồ mà đính vào quần áo”, người phụ nữ tên Hồng chỉ “chiêu” lựa hàng sida cho chúng tôi.
Chúng tôi theo chân người phụ nữ tên Hồng cùng 2 chủ shop thời trang nữa lân la tới các “thùng” quần áo của bà Tám sida, khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh). Vừa tới cửa, chủ các “thùng” quần áo đon đả: “Tới rồi đó à, xem này, đố mấy người biết đây là đồ cũ. Đồ hiệu Gap, Bebe đàng hoàng nhé!”. Tôi nhíu mày tỏ vẻ không tin, một nhân viên liền vuốt ve: “Em cứ xem cho kỹ, tuy mác bị mờ tên nhãn hiệu nhưng là đồ xịn. Em cứ lấy đi, bao nhiêu cũng có, mua sỉ thì giá sẽ giảm 50%. Nếu em không biết chỗ nào làm quần áo được như mới thì một lát chị chỉ cho”. Đa số các loại quần áo dạng này có giá rẻ bèo từ 80 ngàn tới 150 ngàn đồng tùy độ “hot” của thương hiệu. Sau khi bỏ ra chi phí để “tân trang”, giá quần áo được đôn lên gấp 10 lần. Có lòng tốt “truyền nghề” cho tôi, chị Hồng dặm thêm: “Có bao nhiêu đồ cũ em cứ mang lên tiệm giặt hấp K.B trên đường Âu Cơ. Em phải nhớ kiểm tra cho thật kỹ loại nước xả mà tiệm đó dùng, phải yêu cầu họ dùng nước xả xịn nhập từ Mỹ, có thế mới giống mùi quần áo nước ngoài”.
Phi chiêu bất lợi nhuận!
Nếu như shop thời trang lớn phải bỏ một khoản tiền cho chi phí mặt bằng, nhập hàng gối đầu, tiền thuê nhân viên… thì các shop thời trang online được xem là phương thức kinh doanh tiện lợi và phổ biến hiện nay. Chỉ cần gõ trên google dòng chữ “shop quần áo xách tay”, chưa đầy 1 giây đã có 7.530.000 kết quả được trả về.
Thử truy cập vào một vài trang shop online, hàng trăm mặt hàng quần áo xách tay với đủ mẫu mã dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, các shop thời trang online đánh mạnh vào 3 nhóm đối tượng: Trẻ em, người có thu nhập cao, người chơi thể thao. Trên trang giới thiệu của shop Bi68, câu đầu tiên khẳng định với khách hàng: “Nếu quý khách phát hiện được hàng không phải nhập khẩu, chúng tôi hoàn lại 200%”. Hay tại Huyền Shop tự giới thiệu gia đình đang hoạt động trong ngành hàng không nên hàng nội địa của các nước Nhật, Hàn, Đức, Pháp đều là hàng xịn. Tham khảo thêm các shop thời trang online như shop PDI, Decem Shop các nhãn hiệu thời trang như Padini, Seed, P&Co, Vincci, Miki, Mizio, Mango, Zara, P&G… được bày bán nhan nhản với mức giá không hề rẻ, thậm chí tương đương với các loại thời trang hàng hiệu bày bán trong các trung tâm thương mại.
Chỉ vỏn vẹn 15m2, shop bán quần áo online A.T nằm khiêm tốn trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình). Nơi đây chuyên bày bán hàng xách tay mang nhãn hiệu Tommy. Sau khi gọi điện đặt hàng online, đi cùng tôi tới shop là anh Quang Đức, một Việt kiều sống tại bang Texas của Mỹ hơn 20 năm và thường xuyên sử dụng các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng. Khi hỏi mua một chiếc áo Tommy với giá 1,6 triệu đồng, anh bạn của tôi cương quyết: “Sờ vào mình vải thì đúng là chất liệu xịn đấy nhưng nhìn đường chỉ, màu sắc, một vài chỗ trên vai áo bị đổ lông, hàng cũ rồi”. Nhân viên shop A.T giật lại áo, tỏ vẻ khó chịu và tròng lại áo vào móc: “Em mà tìm được hàng cũ chị hoàn tiền lại. Do vận chuyển xa nên bị bay màu chút thôi chứ chất liệu còn ngon lành lắm”. Tôi và anh bạn nhìn nhau cười rồi bỏ ra về.
Khi chọn mua một loại thực phẩm, có thể người tiêu dùng sẽ lưỡng lự về một sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, với quần áo, người tiêu dùng với tâm lý mặc thử để biết “mùi” quần áo ở “bển” đã không đắn đo bỏ ra từ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để được bằng chị bằng em. Không cần sờ tận tay, nhìn tận mắt, nhiều người sử dụng cứ ung dung đặt hàng qua mạng. Với phương châm “phi chiêu bất lợi nhuận” (tạm dịch: không giở chiêu trò lừa khách thì không có lời), nhiều shop thời trang online đã tận dụng công nghệ photoshop, thuê những cô gái có ba vòng “sexy” để quần áo của họ được lung linh qua ảnh. Bên cạnh đó, họ còn dùng “chiêu” lập ra hàng chục trang Facebook khác nhau để có những comment khen hàng của “đội nhà” để khách hàng tin tưởng hơn. Đến khi nhận hàng về rồi thì “nóng tai, gai mắt” vẫn phải mặc vào người. Bởi không có cách nào để xác minh nguồn gốc những loại trang phục xách tay vì từ khi cầm tiền để mua những khách này thừa biết là hàng không hóa đơn chứng từ, chỉ đặt niềm tin vào nhãn mác.
Bài, ảnh: Lộc Sâm
Bình luận (0)