Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hàng không, du lịch bứt tốc

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng không tăng tốc, du lịch cũng bắt đầu trở mình sau kỳ “ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử.

Mạng bay quốc nội mở hết cỡ, nhiều đường bay quốc tế được nối lại, từng đoàn du khách xóa tan sự ảm đạm tại hàng ngàn khu nghỉ dưỡng…, những bước đệm quan trọng từ mùa cao điểm Tết Nguyên đán đang tạo đà cho một năm mới bứt tốc của hàng không và du lịch Việt Nam.

Dồn dập mở cửa bầu trời

3 ngày trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến các địa bàn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và mở rộng địa bàn áp dụng giai đoạn thí điểm tới châu Âu, Úc để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán như đề xuất của Bộ GTVT. Hai ngày sau, ngày cuối cùng của năm Tân Sửu 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GTVT sớm đưa công dân Việt Nam mắc kẹt về nước trong lúc chuyến bay thương mại chưa khôi phục hoàn toàn. Lập tức, Bộ GTVT đã cho phép Cục Hàng không cấp phép ngay các chuyến bay thường lệ và không thường lệ mà không yêu cầu bất kỳ văn bản xét duyệt về nhân sự nào. Đồng thời công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay không bị hạn chế nhập cảnh.

Hàng không, du lịch bứt tốc - ảnh 1

Lượng khách đi máy bay tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Hàng loạt rào cản được tháo gỡ trước thềm Tết Nguyên đán đã mở đường cho những chuyến bay quốc tế đua nhau về Việt Nam. Trước đó, Vietnam Airlines thực hiện 2 chuyến bay đầu tiên chính thức nối lại các đường bay thường lệ giữa châu Âu và Việt Nam sau gần 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Chuyến bay chở 190 hành khách từ Frankfurt (Đức) và gần 300 hành khách hành trình London – Paris đã lần lượt hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) sáng 26.1. Sau 2 hành trình này, Vietnam Airlines đã khôi phục hoạt động vận tải hành khách thường lệ tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới sau đại dịch.

Bamboo Airways cũng chính thức công bố đường bay thẳng Việt Nam – Đức và ra mắt tổng đại lý tại thị trường Đức, sau khi tăng cường nhiều đường bay thường lệ đi châu Á, châu Âu, Úc. Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thường lệ khứ hồi kết nối Hà Nội – Frankfurt từ ngày 25.2, với tần suất ban đầu 2 chuyến khứ hồi/tuần.

Không nằm ngoài đường đua, Hãng hàng không Vietjet khôi phục thêm đường bay kết nối TP.HCM với Bangkok (Thái Lan) từ 21.1. Các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Hà Nội/TP.HCM – Tokyo, Đài Bắc, Seoul và Singapore đã được hãng này khai thác ngay từ 1.1. Đại diện Vietjet dự kiến giai đoạn tiếp theo sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế đã khai thác trước đây và mở thêm các đường bay xa hơn đến Ấn Độ, Nga…

Trong nước, thị trường nội địa cũng nóng lên từng ngày. Giai đoạn cận tết, lượng khách mua vé máy bay tăng cao trên tất cả nhóm hành trình, đặc biệt là khi Bộ GTVT bỏ quy định xét nghiệm và kiểm soát tiêm chủng vắc xin Covid-19 đối với hành khách. Tất cả các hãng hàng không đều mở bung mạng bay nội địa, tăng tần suất các đường bay “hot” để phục vụ tối đa nhu cầu về quê, du lịch của hành khách. Tân binh Vietravel Airlines cũng nhanh chóng đón cơ hội mở rộng mạng đường bay mới nối TP.HCM với Quy Nhơn (Bình Định), đồng thời khôi phục đường bay đến Đà Nẵng, đánh dấu bước chuyển mình tích cực sau thời gian “ngủ đông chủ động” do ảnh hưởng của Covid-19.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, đánh giá bên cạnh tiến độ tiêm chủng và tình hình kiểm soát dịch bệnh đang ngày càng tích cực trên thế giới, nhu cầu du lịch, công vụ bị kìm nén trong 2 năm đại dịch là một trong những yếu tố quan trọng mang đến cơ hội cho sự phục hồi của hàng không. Điều đó được minh chứng rõ trong giai đoạn từ 1 – 24.1, khi Vietnam Airlines khôi phục bay thường lệ tới 8 quốc gia, vùng lãnh thổ và ghi nhận tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay đến Việt Nam gần 70% trong giai đoạn này. Hay như cao điểm tết, các chuyến bay nội địa từ phía nam ra miền Bắc và miền Trung đạt tỷ lệ lấp đầy cao, trung bình 94 – 97%, nhiều chuyến đạt 100%.

“Khả năng phục hồi của thị trường hàng không Việt Nam dự kiến cũng sẽ theo diễn tiến chung của khu vực và thế giới. Ở kịch bản lạc quan – Việt Nam hoàn thành việc tiêm chủng toàn dân trong quý 1/2022, dịch không bùng phát trong nước, Chính phủ bỏ các hạn chế nhập cảnh và nới lỏng quy định cách ly – chúng ta sẽ có tốc độ phục hồi nhanh. Dự báo khách tổng thị trường quốc tế đạt 52% so với năm 2019, khách tổng thị trường nội địa sẽ đạt 88%”, ông Tuấn thông tin.

Hàng không, du lịch bứt tốc - ảnh 2

Du khách trong và ngoài nước du xuân Hội An tết năm nay. NGUYỄN TÚ

Du lịch lấy đà bứt phá

Hàng không tăng tốc, du lịch cũng bắt đầu trở mình sau kỳ “ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử.

Kế hoạch phục vụ du lịch dịp Tết Nguyên đán của đa số doanh nghiệp (DN) du lịch lớn tại TP.HCM đều cơ bản đạt như kỳ vọng. Tại một số DN lữ hành lớn ở TP.HCM, khách hỏi đặt tour xuyên tết, fanpage và đường dây nóng liên tục nhận thông tin đăng ký cả ngày và đêm. Nhiều điểm đến đón lượng khách tăng đột biến. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Phú Quốc. Đại diện Maxbooking (Đại lý khách sạn trực tuyến) thông tin từ 26 – 27 tháng chạp, các khách sạn tại Phú Quốc đã xôn xao hết phòng. Bắt đầu từ khoảng 28 – 29 tháng chạp, khách đến check-in khá đông vì nhiều gia đình chọn Phú Quốc là nơi đón giao thừa, chào năm mới. Liên tiếp sau đó, từ mùng 1 tết, khách vào liên tục. Hàng loạt khách sạn báo hết phòng, trải dài từ phân khúc 3 – 5 sao. Đáng chú ý, đến mùng 4, mùng 5 tết vẫn còn rất nhiều gia đình có nhu cầu đặt phòng. Một số điểm du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sa Pa… cũng đã đón hàng ngàn khách tới du xuân, báo hiệu du lịch bắt đầu ấm dần lên sau 2 năm bị Covid-19 “cùm chân”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, nhận định lượng khách du xuân khả quan, cộng với số lượng lớn Việt kiều về quê ăn tết là bệ đỡ cần thiết để du lịch thoát khỏi giai đoạn “rã đông”, chính thức bước vào giai đoạn hồi phục. Có khách, toàn bộ hệ thống dịch vụ của ngành sẽ được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng mùa xuân vừa được triển khai thần tốc với mục tiêu đến hết quý 1/2022 sẽ bao phủ đủ 3 mũi vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân cho thấy dịch bệnh đang từng bước chuyển hóa thành bệnh đặc hữu. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp các bộ, ban ngành tự tin, sớm thông báo lịch trình mở cửa với những hướng dẫn cụ thể và cởi mở.

“Với tốc độ phủ vắc xin như vậy, nếu Chính phủ chính thức cho phép mở cửa sớm từ tháng 4 thì đến tháng 6 du lịch nội địa có thể trở lại bằng 50 – 60% so với năm 2019. Thị trường quốc tế sẽ đạt khoảng 30 – 35%. Đặc biệt, mùa đông cuối năm từ tháng 11 trở đi, lượng khách nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng rất nhanh và khả năng sẽ quay trở lại bằng 50 – 60% so với 2019”, ông Kỳ dự báo.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông – marketing và công nghệ thông tin thuộc Công ty TST Tourist, đánh giá sự trở lại của du lịch Việt Nam sẽ “chất” hơn rất nhiều. Trong thời gian qua, để thích ứng với nhu cầu thay đổi của thị trường, các địa phương đã nỗ lực làm mới nhiều sản phẩm, xây dựng thêm nhiều tour, tuyến để kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Đồng thời các DN cũng phải sáng tạo khai thác những nét hấp dẫn mới mẻ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, sau giai đoạn hồi phục, du lịch Việt Nam sẽ có tiền đề tốt cho sự phát triển bền vững.

“Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch VN trước dịch rất nhanh, đóng góp tới 10% GDP cả nước. Quay trở lại thời hoàng kim, lấy lại được tốc độ tăng trưởng là mục tiêu trong giai đoạn này của ngành. Song, nhu cầu du lịch hiện đã thay đổi rất nhiều, chú trọng an toàn, nhanh và tính riêng tư. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi từ các đơn vị cung ứng, điểm đến, cho tới quy trình tham quan. Có thể thấy ở một khía cạnh nào đó, đại dịch chính là động lực thúc đẩy ngành du lịch VN chuyển mình, phát triển nhanh hơn, cơ hội bước lên một tầm cao hơn”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings

Theo Hà Mai/TNO

 

Bình luận (0)