Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng năng lực cạnh tranh, các hãng hàng không (HK) Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để phát triển đội bay theo xu hướng hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và tăng cường thêm nhiều máy bay mới dưới các hình thức thuê, mua…
Thị trường vận tải HK Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng rất mạnh. Nhờ có sự cạnh tranh của nhiều hãng HK, với nhiều mức giá, trong đó có khá nhiều vé giá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng người dân nên người dân đi máy bay ngày càng nhiều. Số liệu thống kê cho thấy trong 3 năm trở lại đây, tổng lượng hành khách thông qua cảng HK Việt Nam bình quân mỗi năm đạt gần 30 triệu khách và 500.000 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 4 lần cả về hành khách lẫn hàng hóa so với năm 2005 trở về trước. Những số liệu này chứng tỏ thị trường HK đang tăng trưởng rất mạnh. Để đáp ứng nhu cầu này và để tăng năng lực cạnh tranh, các hãng HK Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực phát triển đội máy bay của mình theo xu hướng hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và tăng cường thêm nhiều máy bay mới dưới các hình thức thuê, mua…
Mới đây nhất, ngày 22-8, tại cơ sở sản xuất máy bay của Hãng Airbus ở TP Hamburg, Đức, Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã tiếp nhận chiếc máy bay A321-200 đầu tiên trong hợp đồng mua 10 máy bay A321-200 giữa VALC và Airbus. VALC cũng đã bàn giao chiếc máy bay này cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) thuê khai thác theo hợp đồng cho thuê đã ký trước đó giữa hai bên. Đại diện VALC cho biết, máy bay A321-200 mà VALC mua là một trong những loại máy bay chở khách được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Ngoài dự án 10 máy bay A321-200 nêu trên, VALC cũng đã tiếp nhận thành công và cho Vietnam Airlines thuê 5 tàu bay ATR72-500 vào năm 2010 và Công ty Trực thăng miền Bắc thuê một tàu bay trực thăng EC155-B1 vào năm 2011.
Máy bay Airbus A321 được Vietnam Airlines mua về để hiện đại hóa đội bay.
|
Đào tạo, xây dựng quy chế bay
Ngày 25-8, Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM) cho biết đã kết thúc khóa đào tạo cơ bản về xây dựng quy chế, tài liệu hướng dẫn xây dựng phương thức bay hàng không dân dụng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Đây là khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực chuyển đổi sang hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu mới (hệ thống CNS/ATM mới) tại Việt Nam, Lào, Campuchia” do các chuyên gia Nhật Bản giảng dạy. Khóa học chỉ có 17 học viên, trong đó Việt Nam được 9 người, Campuchia và Lào mỗi nước có 4 học viên.
Theo nghị quyết của Đại hội đồng ICAO – Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Cơ quan về Hàng không của Liên hiệp quốc năm 2011 – về ứng dụng toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia phải thực hiện lộ trình PBN ở tất cả các sân bay hàng không dân dụng trước năm 2016. Việt Nam thực hiện phương thức dẫn đường theo công nghệ trên đầu tiên tại sân bay Phú Bài (Huế) vào đầu năm 2013.
Q.HÙNG
|
Bình luận (0)