Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng không Việt tiếp tục lỗ nặng, đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không

Các hãng hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục thua lỗ nặng nề trong năm 2021 do ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Các hãng hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục thua lỗ nặng nề trong năm 2021 do ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Vì thế, các hãng bay rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, các cơ chế chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch COVID-19.

Hãng bay tiếp tục âm tiền mặt

Tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), so cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong quý 1/2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%. IATA dự  báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định, sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42-47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47-57% và doanh thu sẽ giảm từ 156-181 tỷ USD so với năm 2019. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của hàng không toàn cầu. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt.

Tại Việt Nam Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký VABA cho biết hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.

Mặt khác, thị  trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/1-26/2/2021), khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí tăng cao do phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, theo ông Nề, các hãng buộc phải giảm giá vé máy bay khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70-80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không, … đều bị ảnh hưởng bất lợi, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3/2020.

“Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán,” ông Nề nhìn nhận.

Mong sớm có cơ chế, chính sách “cứu vớt” hãng bay

Theo IATA, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần chính phủ hỗ trợ khoảng 70-80 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không cũng có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Đơn cử, với chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không, riêng Vietnam Airlines đã giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không cũng đã giúp hãng giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành là khoảng 430 tỷ đồng).

Với Bamboo Airways, tổng số tiền mà hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng trong năm 2020). Chính sách tái cơ cấu nợ cũng liên quan tới trị giá tín dụng ở quy mô hạn chế và mức giảm lãi suất khá thấp (với Bamboo Airways, mức giảm lãi suất là 0,5- 1%) và thời gian áp dụng khá ngắn (Bamboo Airways được áp dụng dưới sáu tháng). 

Tuy nhiên, do tác động hai chiều của một số chính sách, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng chịu thiệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bạn trong ngành. Đơn cử, do Nhà nước quyết định giảm phí điều hành bay, năm 2020 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã giảm doanh thu tới 159 tỷ đồng cho các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay quốc nội.

Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, VABA đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong năm 2021 như mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.

Đưa ra minh chứng Vietnam Airlines đã được hỗ trợ và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty, VABA đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không, trong đó Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…

Hang khong Viet tiep tuc lo nang, doi dien nguy co can kiet dong tien hinh anh 1
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không cũng có tác dụng tích cực đối với các hãng bay. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân…; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021…/.

Theo Việt Hùng/Vietnam+

 

Bình luận (0)