Lực lượng quản lý thị trường đang kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc |
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Lực lượng quản lý thị trường các cấp đã kiểm tra và xử lý nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, quần áo, bột ngọt…
Tràn lan hàng giả, hàng nhập lậu
Hàng nhập lậu, hàng giả tập trung nhiều ở các mặt hàng thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, bột ngọt, quần áo may sẵn, hóa chất, trong đó có một số lượng lớn hàng bị cấm như đồ chơi trẻ em, pháo nổ, máy phá sóng điện thoại di động. Hàng lậu, hàng giả có xuất xứ từ nhiều quốc gia, trong đó hàng Trung Quốc chiếm 70% tổng số lượng và số vụ bị xử lý.
Cụ thể từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 175 vụ, thu giữ 153.000 gói thuốc lá nhập lậu. Thuốc lá lậu vào thành phố chủ yếu đi từ hướng Long An, Tây Ninh bằng xe khách, xe gắn máy, xuồng ghe về. Tại chợ thuốc lá Học Lạc (quận 5) mặc dù các đối tượng kinh doanh thuốc lá lậu liên tục bị xử lý nhưng vẫn còn hoạt động rất mạnh, giao dịch tại các chợ chủ yếu hoạt động ngầm và diễn ra cả ngày lẫn đêm. Cũng từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã kiểm tra 62 vụ, thu giữ 1,4 triệu đơn vị sản phẩm các loại, trong đó có 4 vụ kinh doanh mỹ phẩm giả. Kiểm tra 75 điểm kinh doanh quần áo may sẵn, tạm giữ 110.000 quần áo các loại, trong đó 37.347 sản phẩm quần áo do Trung Quốc sản xuất là hàng dỏm.
Mới đây, sau nhiều ngày theo dõi, Đội Quản lý thị trường 4A phối hợp với C15 Bộ Công an kiểm tra kho hàng tại số 169 Nơ Trang Long (Bình Thạnh) đã phát hiện 3 container chứa nguyên liệu bột kem, sữa bột, hương liệu thực phẩm nhập lậu. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã thu giữ 26.455 kg hương liệu thực phẩm đã hết hạn dùng, nhưng trên bao bì sửa lại hạn sử dụng mới; 3.920 kg nguyên liệu sữa bột Thái Lan sản xuất, 225 kg nguyên liệu sữa bột New Zealand và 50 kg nguyên liệu sữa bột hiệu Siha AktivBen-tonit nhập lậu. Tại kho hàng của doanh nghiệp tư nhân Tam Đảo (số 3-5 đường 33, Q.6), Công an Q.6 cũng đã phát hiện 750 máy phát điện hiệu Bentian và 6.504 vòi nước các loại do Trung Quốc sản xuất nhập lậu. Kiểm tra kho hàng của Xí nghiệp đông lạnh Thắng Lợi (số 107/41D Lạc Long Quân, Q.11) phát hiện 7 doanh nghiệp thuê kho chứa hàng nhập lậu và hàng không dán nhãn phụ. UBND Q.11 đã ra quyết định tiêu hủy hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng do Trung Quốc sản xuất gồm 2.900 hộp thực phẩm chức năng Vị Tự An, 3.000 hộp thực phẩm chức năng Nam Thận Bảo, 400 hộp trà giảm béo Bailing và Sanye AntiAdipose.
Hàng giả càng chống càng tăng, vì sao?
Trả lời vấn đề này, một cán bộ quản lý thị trường TP.HCM nhìn nhận: Tình hình buôn bán hàng nhập lậu diễn biến hết sức phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi như xuất hóa đơn hợp pháp, mua hóa đơn xuất khống, quay vòng chứng từ mua bán, khai hải quan không đúng loại hàng, khai thấp số lượng để hợp thức hóa hàng lậu. Nạn buôn bán hàng giả vẫn còn tiếp diễn, thậm chí quy mô hoạt động ngày càng lớn. Hàng giả lưu thông trên thị trường chủ yếu là các loại đồng hồ, túi xách, quần áo xuất xứ từ Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng; các mặt hàng giả trong nước sản xuất gồm có mỹ phẩm, phân bón, bình gas gắn niêm van giả.
Chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM hiện đã tăng 3,31%, nhiều mặt hàng đã tăng giá từ 7- 15% so với đầu năm, nhưng hàng lậu hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, điều này tạo nên áp lực lớn đến sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM dự báo tình hình lưu thông hàng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm nên mức độ hoạt động của các đối tượng và lượng hàng lậu, hàng giả cũng sẽ tăng theo. Mặt khác, do tình hình xuất khẩu của các nước trong khu vực giảm nên nhiều loại hàng hóa dội khẩu, giá rẻ tìm cách đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc đang đổ vào thị trường nước ta với quy mô lớn, trong đó hàng hóa chứa chất độc hại đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với hàng nội.
Nguyên Hải
Bình luận (0)