Sự kiện giáo dụcTin tức

Hàng loạt ngành học phải “báo tử”

Tạp Chí Giáo Dục

Đóng cửa ngành học đã trở thành chuyện bình thường trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân do các ngành học này không tuyển đủ chỉ tiêu. Thậm chí có những ngành chỉ có 1 đến 2 hồ sơ nhập học.

Ngành “hot” cũng đóng
Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết năm học này, nhà trường sẽ phải đóng cửa hai ngành học là kinh tế chính trị và thống kê – tin học do không tuyển đủ chỉ tiêu. Không những thế, thực tế sinh viên tốt nghiệp hai ngành này ra trường khó xin việc làm cũng tăng thêm khó khăn cho việc tuyển đầu vào. “Tuy nhiên, trường chỉ đóng cửa một năm – sang năm 2012 sẽ tuyển sinh trở lại”, ông Nam khẳng định. Cũng theo ông Nam, việc đóng cửa ngành học trong thời gian một năm trường đã triển khai từ năm trước (2010), lúc đó khi ngành cấu kiện vật liệu xây dựng (Trường ĐH Bách khoa) không có thí sinh trúng tuyển. Năm nay ngành này đã tuyển sinh trở lại.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi, năm nay cũng quyết định đóng cửa ngành học tài chính – ngân hàng vì chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Được biết năm nay, Trường ĐH Phạm Văn Đồng chỉ có 64 thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng 1 hệ đại học, trong tổng số chỉ tiêu là 450 sinh viên. Như vậy, không phải chỉ ngành kỹ thuật mới khó tuyển sinh mà ngay cả ngành “hot” cũng phải đóng cửa.
Năm 2010, dư luận cũng chứng kiến nhiều trường phải đóng cửa một số ngành học của mình như Trường ĐH Đông Đô đóng cửa hai ngành là điện tử viễn thông và thông tin học; Trường ĐH Lương Thế Vinh đóng cửa các ngành thú y, cơ khí, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, văn hóa du lịch; Trường ĐH Hồng Đức tạm dừng đào tạo ba ngành chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật…
Mở ra – đóng vào
Sự bùng nổ các trường ĐH vừa qua là điều dễ nhận thấy nhất và cũng là nguyên nhân sâu xa khiến một số ngành học rơi vào khủng hoảng. Sự mở ngành chạy theo thị “hiếu” của người học, không dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường lao động cũng là nguyên nhân cơ bản. Kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin là những ngành “nóng” và đang “nóng”. Tuy nhiên, với việc trường nào cũng có ngành này thì tất nhiên, không thể tuyển đủ chỉ tiêu là điều tất yếu. Mở ngành ra, đóng ngành lại cũng không có gì lạ. Trong cuộc chạy đua để tuyển thí sinh như hiện nay, trường nào thương hiệu mạnh sẽ thắng, thương hiệu kém sẽ thua. Dần dần, giá trị đích thực sẽ được khẳng định. GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội từng rất trăn trở khi chỉ trong vòng 5 năm, các trường ĐH, CĐ mọc lên với tốc độ chóng mặt. Năm nào cũng thêm dăm bảy trường ĐH, CĐ mới, trong điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Thậm chí không ít trường ĐH, CĐ không “tấc đất cắm dùi”, năm nào cũng chờ số liệu tuyển sinh ổn định mới chạy thuê phòng học, không khác gì một “lò luyện thi”. Kỳ thi tuyển sinh năm 2011 này, có trường ĐH thủ khoa chỉ đạt 12,5 điểm. Mở trường tùy tiện như vậy không chỉ hạ thấp chất lượng nhân lực mà còn làm hỏng bất kỳ một cố gắng nào để phân luồng học sinh theo yêu cầu của thị trường lao động. Tình trạng mở trường… không phanh thì việc đóng ngành học cũng sẽ là điều tất yếu.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)