Nhiều trường đại học trên cả nước công bố mức điểm sàn năm 2020 dao động từ 14 đến 24 điểm.
Trường Đại học Thủy lợi : 15 đến 20 điểm
Ngày 16/9, Trường Đại học Thủy lợi thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học chính quy theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020.
Theo đó, cơ sở chính tại Hà Nội (Mã trường TLA) điểm sàn xét tuyển các ngành từ 15 đến 20 điểm. Tại cơ sở Phố Hiến (Mã trường TLA, với mã ngành PHA) các ngành đều ở mức 15 điểm. Tại phân hiệu Miền Nam điểm sàn cũng xét ở mức 15 điểm.
ĐH Quốc gia gia Hà Nội: từ 16-24 điểm
ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT năm 2020 vào các ngành/chương trình đào tạo trình độ ĐH của các trường thành viên, các khoa trực thuộc dao động từ 16 đến 24 điểm.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: điểm sàn 20
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) đại học hệ chính quy năm 2020.
Theo đó, mức điểm sàn được nhà trường đưa ra là 20. Mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1.
Đối với các ngành có tổ hợp môn tiếng Anh tính hệ số 2, các môn khác tính hệ số 1, điểm được quy về thang 30 theo công thức: (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm tiếng Anh x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên.
Học viện Tài chính: cao nhất 24 điểm
Học viện Tài chính vừa thông báo điều chỉnh ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) đầu vào chương trình đại trà hệ đại học chính quy và các chương trình chất lượng cao năm 2020.
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chương trình đại trà từ 17 điểm tăng lên 20 điểm. Chương trình chất lượng cao từ 18 điểm tăng lên 24 điểm.
Trước đó, điểm sàn xét tuyển được Học viện Tài chính đưa ra là từ 17 điểm trở lên với chương trình chuẩn và từ 18 điểm trở lên với chương trình chất lượng cao theo từng mã xét tuyển.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: cao nhất 23 điểm
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa công bố điểm điều kiện đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ từ 18 – 23 trở lên, tùy ngành.
Mức điểm sàn xét tuyển được Học viện Ngân hàng đưa ra là 19, bao gồm điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT 2020 cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng.
Học viện Ngân hàng đưa ra điều kiện trúng tuyển với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần có điểm thi THPT năm 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ IELTS (academic) đạt từ 6.0 trở lên; TOEFL iBT đạt từ 72 điểm trở lên; TOEIC 4 kỹ năng đạt từ 665 điểm trở lên; Chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 trở lên (riêng đối với ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, nếu thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT Chuyên quốc gia thì cần có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm trung bình cộng trong 5 kỳ (năm lớp 10, năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký đạt từ 7 điểm trở lên.
Với thí sinh hệ không chuyên của các trường THPT Chuyên quốc gia và thí sinh hệ chuyên của trường THPT Chuyên tỉnh, thành phố thì cần có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm trung bình cộng trong 5 kỳ (năm lớp 10, năm lớp 11 và Học kỳ 1 năm lớp 12) của từng môn học thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,5 trở lên.
Với thí sinh hệ không chuyên, nếu đăng ký các ngành đào tạo hệ đại học chính quy, chương trình liên kết quốc tế thì cũng phải có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm xét tuyển đạt từ 25 trở lên.
Đối với thí sinh đăng ký các ngành đào tạo hệ đại học chính quy, chương trình đại trà (các mã ngành còn lại) cần có điểm thi THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện và có điểm xét tuyển đạt từ 25,75 trở lên.
Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của Đại học Mỏ – Địa chất năm 2020 dao động từ 15 – 18 điểm. Các ngành có mức điểm sàn 18 bao gồm Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, Kỹ thuật hoá học (Chương trình tiên tiến), Kỹ thuật địa vật lý.
Các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật hoá học, Địa kỹ thuật xây dựng có điểm sàn là 17. Các ngành còn lại của trường ở mức 15 – 16 điểm.
Điểm xét là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp và điểm ưu tiên, khu vực. Trong trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu nhóm ngành, các thí sinh có kết quả thi bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ được xét tuyển theo tiêu chí phụ là điểm của môn Toán.
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở mức 15 – 16 điểm. Một số ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Marketing, Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ di lịch và Lữ hành, Quản trị khách sạn có mức điểm sàn là 16. Các ngành còn lại của trường có mức điểm sàn là 15.
Đại học Điện lực: 15-16 điểm
Ngưỡng điểm sàn theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được Trường Đại học Điện lực công bố từ 15 – 16 điểm tùy từng ngành. Các ngành xét từ 16 điểm: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Các ngành còn lại lấy điểm sàn là 15.
Học viện Tòa án: 18 điểm
Năm 2020, Học viện Tòa án đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18 cho tất cả các tổ hợp. Học viện Tòa án chỉ nhận xét tuyển những thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển 1 và 2 vào trường.
Dự kiến nhiều trường sẽ tăng
Nhiều chuyên gia nhận định, điểm chuẩn vào ngành cao nhất của ĐH Y Hà Nội có thể lên tới 29 điểm. Điểm chuẩn dự báo ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) của ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng tử 28 đến 29 điểm.
Theo mức dự báo điểm chuẩn trúng tuyển đại học hệ chính quy 2020 của ĐH Bách Khoa năm nay, điểm chuẩn dự báo ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ( chương trình tiên tiến) dự báo 28-29 điểm. Tiếp đến, điểm chuẩn dự báo ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội lên đến 28,5 điểm cho ba môn.
Ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội lên đến 28,5 điểm cho ba môn, tiếp đến là ngành Kĩ thuật điện là 26-26 điểm, ngành Kỹ thuật Sinh học cũng cao dự kiến 25,5- 265, điểm; kỹ thuật thực phẩm cũng lên tới 26-26,5 điểm.
Ngoài ra, dự báo điểm chuẩn trúng tuyển của ĐHBK Hà Nội năm 2020 với các tổ hợp truyền thống thấp nhất là 22 điểm, với tổ hợp A19/A20 thấp nhất là 19 điểm.
Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, dự kiến các ngành năm nay tăng từ 1-3 điểm. Những ngành có điểm chuẩn từ 24 – 26 điểm thuộc top cao của trường, năm nay dự kiến tăng khoảng 1 – 2 điểm. Thí sinh nên đăng kí vào những ngành thấp hơn điểm thi của mình khoảng 2 – 3 điểm để có thể chắc chắn trúng tuyển.
Ngay khi Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, theo nhận định của đại diện Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2020, điểm chuẩn vào trường dự kiến sẽ tăng cao. Thí sinh được 27-28 điểm, nếu đăng ký vào ngành Y đa khoa ở Hà Nội, cơ hội đỗ là rất thấp.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng, theo phổ điểm bộ GD&ĐT công bố, có 121 điểm 10 môn Sinh. Có 712 thí sinh từ 28 đến 29. Có 140 thí sinh từ 29 đến 29,8. Thủ khoa khối B toàn quốc là 29,8 điểm. Không có điểm 30 tuyệt đối nào như 2017.
Thầy Công cho rằng, để nhận định về điểm chuẩn vào các ngành của ĐH Y Hà Nội bao nhiêu thì rất khó đoán nhưng dự đoán điểm chuẩn vào ngành Y khoa sẽ thấp hơn điểm chuẩn 29,25 điểm năm 2017.
Lí do thầy Công đưa ra, điểm chuẩn khó dự đoán hơn mọi năm là năm nay, điểm cộng của Y Hà Nội cho đội quốc gia nên không có điểm tương đồng với các năm trước, do vậy rất khó đoán. Mặt khác, Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 cũng là yếu tố tác động đến điểm chuẩn của trường khối Y dược năm nat.
Tuy nhiên, theo thầy Công nhận định, nếu thí sinh được 29 điểm thì khá an toàn để vào ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội, 28,5 điểm thì có cơ hội ở ngành này.
Đỗ Hợp/ TPO
Bình luận (0)