Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc tại lò mổ lớn nhất TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Kiểm tra lò mổ Xuyên Á, lực lượng chức năng đã lập biên bản yêu cầu ngưng giết mổ số heo có dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần vừa nhập vào lò khoảng 5.000 con và lượng tồn khoảng trên 5.300 con.

Tối 28-9, lực lượng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp Cục cảnh sát phòng chống môi trường (C49, Bộ Công an) bắt quả tang vụ tiêm thuốc an thần quy mô lớn vào heo trước khi giết mổ ngay trong lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM).  

Theo thông tin ban đầu, sau một thời gian "nằm vùng" điều tra, khoảng 23h tối 28-9, lực lượng trinh sát C49 và Thanh tra Bộ NN&PTNT ập vào lò mổ bắt quả tang một số thương lái đang tiêm thuốc an thần cho heo.

Theo một cán bộ trong đoàn công tác, thời điểm này đoàn phát hiện có 6 vỏ chai thuốc Combistress (một dạng thuốc gây mê an thần), 51 chai nước (dạng chai truyền dịch) dung tích 500ml đã pha thuốc an thần.

Ngay lúc đó, đoàn công tác yêu cầu ngừng mọi công tác giết mổ heo, tiến hành lấy 72 mẫu xét nghiệm.

Qúa trình làm việc, có 7 thương lái cam kết không sử dụng thuốc an thần và được cơ quan điều tra xác nhận cho giết mổ số lượng khoảng 400-500 con.

Đoàn công tác tiến hành lập biên bản, yêu cầu ngưng giết mổ số heo có dấu hiệu nghi ngờ tiêm thuốc an thần vừa nhập vào lò khoảng 5.000 con và lượng tồn khoảng trên 5.300 con.

"Một số heo được cơ quan chức năng xác định tiêm thuốc an thần trong quá trình vận chuyển, số còn lại mang về lò giết mổ tiêm trong quá trình tắm heo, mục đích để thịt heo mềm, dẻo khi giết mổ bán ra thị trường" – một cán bộ trong đoàn công tác nói.

Theo cán bộ này, lò mổ  Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TP.HCM, công suất giết mổ mỗi đêm trên 5.000 con heo. Heo chủ yếu được nhập về từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa Vùng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre…

Theo TS Lê Thanh Hiền – trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM), người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt… 

Nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.

HOÀNG LỘC/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)