Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng ngàn DN vàng nữ trang sẽ gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, chỉ 86 doanh nghiệp đã xin cấp phép đủ sản xuất vàng nữ trang theo quy định mới.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, đến nay chỉ có 86 doanh nghiệp (DN) xin cấp phép sản xuất nữ trang theo quy định mới tại NHNN. Như vậy tại TP.HCM còn lại 2.914 DN chưa có giấy phép để sản xuất.
“Mắc kẹt” nguồn gốc nguyên liệu đầu vào
Lý giải về việc có quá ít DN được cấp phép sản xuất vàng nữ trang, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, cho rằng có thể những điều kiện để được cấp phép sản xuất nữ trang khó khăn, có thể làm đội lên chi phí nên nhiều DN không muốn làm. “Tất nhiên không ngoại trừ các tiệm vàng chỉ cần làm đại lý, chi nhánh cho DN được cấp phép kia là hợp pháp rồi mà không cần thêm giấy phép sản xuất nữa” – ông Hải nói.
Thêm vào đó ông Hải nhận định hai năm trở lại đây có quá nhiều chính sách mới đối với thị trường vàng nên không ngoại trừ việc nhiều DN chờ đợi xem có những thay đổi nữa không.

Trong thời gian qua, việc mua bán vàng trang sức chủ yếu dựa trên thị trường thuận mua vừa bán. Ảnh: HTD
Bên cạnh đó, quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường còn yêu cầu chậm nhất là đến ngày 1-6-2014, các DN phải chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Một chuyên gia tài chính cho rằng giả sử nếu kiểm tra phát hiện nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc sẽ phải chịu phạt vài trăm triệu đồng thì rất nặng.
“Đây là một điều rất khó cho DN kinh doanh vàng trang sức vì từ mấy chục năm nay, việc mua bán vàng chủ yếu dựa trên thị trường thuận mua vừa bán. Nguyên liệu cũng từ nhiều nguồn khác nhau và hầu như chỉ có giấy tờ viết tay. Thế nên việc chứng minh lại nguồn gốc của các nguyên liệu là điều rất khó” – ông Trần Thanh Hải nói.
DN chưa cập nhật quy định mới
Trước những khó khăn vừa nêu, câu hỏi được nhiều người đặt ra: “Liệu số lượng DN ngành nữ trang sắp tới có thể giảm xuống hay không?”. Ông Hải cho rằng DN nữ trang sẽ không phải đóng cửa vì điều này. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng chính là thị trường vàng hiện nay khá ảm đạm, hoạt động cung-cầu vàng nữ trang rất yếu.
Trao đổi với chủ tiệm vàng Tân Văn Minh, ông Nguyễn Kế Tân (Vĩnh Long) cho biết chưa nghe thấy thông tin sắp tới DN nữ trang phải chứng minh nguyên liệu đầu vào. Không chỉ ông Long, một DN tại Đắk Lắk cũng trả lời là không biết về quy định này. DN này cho biết nếu quả thực áp dụng những quy định như trên thì thị trường vàng nữ trang sẽ trở nên rất “khó nuốt”.
Không chỉ DN gặp khó, theo ông Hải, vấn đề xử phạt sẽ còn khó hơn. Bởi chúng ta sẽ không có đủ lực lượng chức năng để đi kiểm tra hết rất nhiều DN hiện đang kinh doanh nữ trang tại TP.HCM. Đặc biệt là những DN ở các tỉnh, huyện thì việc kiểm tra lại càng khó.
Một lãnh đạo trong ngành nhận định cân giám định tuổi vàng thường xuyên có những sai số rất lớn và thường không giống nhau. Vậy lấy loại nào làm chuẩn và xử phạt cho đúng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, lại nhận định những quy định mới là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và tăng cường bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Từ giờ đến khi Thông tư 22 chính thức có hiệu lực, các DN còn nhiều thời gian để dần dần thay đổi theo quy định.
Hôm nay (28-11), NHNN tiếp tục tổ chức bán đấu thầu 15.000 lượng vàng miếng lần thứ 72. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 35,3 triệu đồng/lượng. Mỗi thành viên được đặt thầu tối đa 15 lô, tức 1.500 lượng và tối thiểu là một lô, tức 100 lượng. Trước đó, NHNN đã tổ chức 71 phiên đấu thầu vàng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.740.500 lượng trên tổng số 1.852.000 lượng chào thầu. Trên thị trường hôm qua (27-11) giá vàng trong nước đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng, giá niêm yết cuối ngày SJC mua vào 35,33 triệu đồng/lượng, bán ra 35,4 triệu đồng/lượng.
YÊN TRANG (PLO)

Bình luận (0)