Trong hai ngày 24 và 25-2, chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đồng loạt diễn ra tại nhiều trường THPT ở hai tỉnh Tây Ninh và Vĩnh Long.
ThS. Nguyễn Trọng Thể (Trưởng phòng Hành chính Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) trả lời các câu hỏi của học sinh Trường THPT Tân Quới (Vĩnh Long). Ảnh: N.Anh |
Tại Vĩnh Long, chương trình diễn ra tại các trường: THPT Tân Lược, THPT Tân Quới, THPT Hoàng Thái Hiếu, THPT Phan Văn Hòa, THPT Mỹ Phước… Các em học sinh miền sông nước Cửu Long đã nêu ra nhiều vấn đề rất thực tế, phù hợp với hoàn cảnh bản thân và gia đình. Em Võ Hoàng Giang (lớp 12A2 Trường THPT Tân Quới) bày tỏ: “Gia đình em rất khó khăn, không có điều kiện để nuôi em đi học. Giả sử em trúng tuyển vào một trường ĐH nhưng muốn bảo lưu kết quả xét tuyển, đi làm một năm rồi mới quay lại trường học có được không?”. Trả lời vấn đề này, ThS. Nguyễn Trọng Thể (Trưởng phòng Hành chính Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, những thí sinh trúng tuyển đến trường nhập học sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trên giấy triệu tập trúng tuyển nếu không có lý do chính đáng thì coi như là bỏ học. Nếu vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể nhập học được, thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp đơn và giải thích với các giấy tờ xác nhận liên quan. Nếu các giấy tờ hợp lệ, lý do chính đáng, nhà trường sẽ giải quyết bảo lưu cho thí sinh trong thời gian một năm.
Đối với trường hợp của em Giang, ngoài việc làm hồ sơ bảo lưu kết quả một năm để nghỉ học đi làm, em có thể liên hệ với trường để tìm học bổng vì tất cả các trường ĐH, CĐ hiện nay đều có chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên gặp khó khăn. Hoặc em có thể liên hệ với địa phương để xin vay vốn hỗ trợ từ ngân hàng dành cho học sinh, sinh viên theo quy định của Nhà nước. Với nguồn hỗ trợ ban đầu này, em có thể vừa học, vừa làm để tiết kiệm thời gian, công sức.
Trong khi đó, em Nguyễn Ngọc Minh Thư (lớp 12 A4 Trường THPT Tân Lược) đặt câu hỏi: “Ngành kỹ thuật chế biến món ăn, bậc trung cấp của Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn thời gian học bao lâu? Khi học xong, học viên có cơ hội trở thành bếp trưởng hay không?”. ThS. Phan Bửu Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) cho hay: Bậc trung cấp ngành kỹ thuật chế biến món ăn có thời gian đào tạo 2 năm. Đây là chương trình đào tạo được thiết kế đặc biệt để trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng chế biến món ăn truyền thống và sáng tạo, xây dựng thực đơn…, cũng như am hiểu phong cách ẩm thực của các vùng miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đã nắm bắt được kỹ thuật chế biến các món ăn, em có thể trở thành đầu bếp làm việc trong các nhà hàng, khách sạn hay cơ sở dịch vụ ăn uống. Nhưng để trở thành một bếp trưởng thì phải mất thêm khá nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm, sáng tạo ra những phương pháp, bí quyết chế biến món ăn của riêng mình cũng như cho phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của nhà hàng, khách sạn nơi em làm việc. Tương tự, em Huỳnh Minh Phước (lớp 12A2 Trường THPT Hoàng Thái Hiếu) hỏi: “Ngành thiết kế đồ họa cần những tố chất nào? Trường nào đào tạo ngành này?”. ThS. Dương Thanh Văn (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết: Ngành thiết kế đồ họa cần những người có năng khiếu về thẩm mỹ, nhạy cảm với cái đẹp và thích sáng tạo; những người có sự kiên trì, nhẫn nại, thích mày mò, sử dụng các phần mềm ứng dụng trên máy tính; có vốn văn hóa sâu rộng, đam mê nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ họa. Ngành này hiện có rất nhiều trường tại TP.HCM đào tạo với thời gian và hệ đào tạo khác nhau như ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Lang…
Bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh (giữa) cùng đại diện Báo Giáo dục TP.HCM tặng hoa cho các thành viên Ban tư vấn. Ảnh: T.H |
Tại Tây Ninh, gần 10.000 học sinh lớp 12 đến từ 17 trường THPT và trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh đã được chương trình cung cấp nhiều thông tin tuyển sinh bổ ích, thiết thực. Cụ thể, sáng 25-2 tại Hội trường Huyện ủy huyện Bến Cầu, chương trình đã tư vấn cho học sinh các trường: THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Nguyễn Huệ, THPT Bình Thạnh. Tại đây, các em học sinh đã được đại diện Bộ GD-ĐT, đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH, CĐ tham gia giải đáp cặn kẽ những băn khoăn, lo lắng cũng như cung cấp nhiều thông tin mới về kỳ thi THPT quốc gia 2016, về việc chọn ngành, chọn trường, đề án tuyển sinh riêng của một số trường ĐH, tâm lý sức khỏe mùa thi… Trước đó (24-2), buổi sáng chương trình diễn ra tại Trường THPT Tây Ninh, tư vấn cho học sinh Trường THPT Tây Ninh và Trường THPT chuyên Hoàng Lê Khoa. Theo đánh giá của nhiều thầy cô giáo, học sinh hai trường này đều là những em có thành tích học tập tốt nhất của tỉnh Tây Ninh. Vì vậy các thành viên trong đoàn không quá ngạc nhiên khi các em đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường có điểm đầu vào cao ở khu vực phía Nam. Tất cả những vấn đề mà các em nêu ra đều được đại diện Bộ GD-ĐT, đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH, CĐ giải đáp cụ thể, thỏa đáng. Chiều cùng ngày, chương trình diễn ra tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, tư vấn cho học sinh các trường: THPT Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trung Trực và Trung tâm GDTX Hòa Thành.
N.Anh – V.Mạnh
Bình luận (0)