Sáng 20-6, tại Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (Q.12) đã diễn ra Ngày hội Tuyển sinh, Hướng nghiệp học sinh sau THCS, lần thứ 5 năm học 2019-2020. Ngày hội do Báo Giáo Dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.12 tổ chức cùng sự đồng hành của Trường THCS-THPT Trần Cao Vân và nhiều đơn vị trường TC, CĐ trên địa bàn TP.HCM.
Các chuyên gia tư vấn trong ngày hội
Ngoài cung cấp những thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020, ngày hội còn đưa đến học sinh nhiều thông tin hữu ích về các hướng đi, ngã rẽ sau THCS… Những thông tin thiết thực, bổ ích này đã thu hút sự tham gia của trên 3.000 học sinh khối 9 đến từ các trường THCS trên địa bàn Q.12.
Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng nghiệp học sinh sau THCS trong định hướng phân luồng học sinh sau THCS của TP.HCM và Đề án phân luồng học sinh sau THCS của Chính phủ. Theo ông Tú, hiện tại nhu cầu của xã hội đang rất thiếu những người thợ có tay nghề cao. “Đậu lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất. Để thành công, các em còn rất nhiều hướng đi, ngã rẽ khác như học nghề, học Trung tâm GDNN-GDTX, chỉ cần các em có ước mơ và quyết tâm”, ông Tú nhấn mạnh.
Học sinh đặt câu hỏi trong ngày hội
Đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của ngày hội, bà Nguyễn Thị Minh Thảo (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.12) cho biết, ngày hội thật sự cần thiết, là cơ hội để học sinh khối 9 tìm hiểu thêm các thông tin về kỳ thi TS 10, định hướng một cách rõ ràng về các hướng đi sau THCS, nhất là hệ 9+. “Khâu phân luồng, hướng nghiệp nghề cho học sinh sau THCS thường gặp khó trong việc thay đổi tư tưởng của phụ huynh. Thế nhưng, nếu cung cấp đến học sinh những hiểu biết đầy đủ về các hướng đi thì chính các em sẽ tác động và làm thay đổi quan điểm của chính ba mẹ mình”, bà Thảo nhìn nhận.
Không lan man khi làm bài thi
Chia sẻ này được cô Lâm Ngọc Lệ (chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.12) đưa ra trong ngày hội. Cô Lệ cho hay, dù năm học này chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc học bị gián đoạn nhưng cấu trúc bài thi ở cả 3 môn thi trong kỳ thi Tuyển sinh 10 sẽ không có sự thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, kiến thức sẽ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9 theo hướng học đến đâu, thi đến đó. Riêng chương trình HKII lớp 9, nội dung đề thi sẽ không ra trong phần đã tinh giản của Bộ GD-ĐT mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông tin.
Theo cô Lệ, nhiều học sinh thường gặp lúng túng khi làm bài thi môn Ngữ Văn. Cấu trúc bài thi Ngữ Văn gồm 3 phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Ở phần đọc hiểu bao gồm những câu hỏi mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Nội dung phần dọc hiểu phong phú, đa dạng, có thể là những câu hỏi liên quan vấn đề đời sống, xã hội. Tương tự, phần nghị luận xã hội cũng có thể sẽ đề cập đến vấn đề của đời sống, xã hội nhưng gắn với lứa tuổi học sinh, thông qua các thao tác lập luận các em sẽ phải rút ra bài học, nhận thức và hành động cho chính bản thân mình. Ở nghị luận văn học, học sinh sẽ có 2 lựa chọn: nghị luận văn học liên quan đến tác phẩm trong chương trình học, đặt ra yêu cầu về sự sáng tạo, mở rộng liên hệ so sánh với tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống; hoặc đề cập về lý luận văn học.
“Đối với dạng lý luận văn học, thí sinh cần phải bình tĩnh bởi đây không phải là dạng bài khó khăn, xa vời. Chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình cũng như kỹ năng là có thể làm được. Tuy nhiên, lưu ý, thí sinh không nên viết những bài văn nghị luận thật dài mà nên tập trung giải thích, làm rõ các vấn đề nghị luận. Một lưu ý khi làm đề tuyển sinh môn Ngữ Văn là đề hỏi gì thí sinh tập trung vào vấn đề đó, không lan man. Trong quá trình ôn tập, các em cũng nên chú ý thêm các vấn đề thời sự để có thêm hiểu biết, phục vụ quá trình làm văn”, cô Lâm Ngọc Lệ lưu ý.
Học sinh khối 9 tham quan trải nghiệm tại Trường THCS-THPT Trần Cao Vân
Khẳng định tính ổn định của kỳ thi năm nay về cấu trúc bài thi, tổ chức thi, ông Đỗ Trí Nhân (Chuyên viên Phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, để tránh những sai sót cho thí sinh như những kỳ thi tuyển sinh trước, năm nay Sở GD-ĐT tổ chức thêm một buổi (ngày 15-7) trước ngày thi để thí sinh tập trung, nghe quy chế thi, kiểm tra lại phiếu đăng ký dự thi… tại các điểm thi. “Các bài thi tuyển sinh thí sinh đều phải đạt từ 2 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển. Cách xét nguyện vọng (NV) từ trên xuống dưới, không có trường hợp thí sinh trúng đồng thời cả 3 NV. Ở một trường, điểm chuẩn NV2 có thể cao hơn NV1, NV3 cao hơn NV2. Khi có điểm thi, thí sinh sẽ không được phép điều chỉnh NV. Thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên Tin học cần kiểm tra lại phiếu, tránh trường hợp thí sinh thi chuyên Toán mà đăng ký thi chuyên Tin học và ngược lại”. Các mốc thời gian trong kỳ thi tuyển sinh 10 được ông Nhân đưa ra: Ngày 27-7 công bố kết quả thi, 28-7 thí sinh nhận phiếu báo điểm. Từ ngày 27 đến 29-7 nhận đơn phúc khảo. Ngày 29-7 công bố điểm chuẩn chuyên, tích hợp, ngày 4-8 công bố kết quả phúc khảo. Ngày 21-8 công bố kết quả điểm chuẩn trường không chuyên.
Trước băn khoăn của thí sinh về việc làm thế nào để không stress trước kỳ thi, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH&CN TP.HCM) cho rằng, stress có 2 nguyên nhân, từ áp lực thực sự hoặc từ áp lực đám đông. Vì vậy, để cởi bỏ được stress trước hết mỗi học sinh cần phải chú ý xem vấn đề của mình xuất phát từ đâu. “Dấu hiệu khi bị stress là dễ cáu gắt, tự cô lập bản thân, không muốn giao tiếp. Khi gặp những vấn đề này, các em cần phải bình tâm quan sát lại mình, đừng bó buộc mình vào một góc riêng mà nên tìm đến ba mẹ, bạn bè, thầy cô để giải toả vấn đề mà mình gặp phải”.
9+, hướng mở cho học sinh sau THCS
Thông tin đến học sinh về các hướng đi sau THCS, ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh) nhấn mạnh, các hướng đi sau THCS rất rộng, ngoài học tiếp các trường THPT công lập, học sinh có thể lựa chọn học THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX, du học hay lựa chọn các trường CĐ, TC đào tạo nghề. “Lựa chọn hướng đi nào mỗi học sinh cần phải tính toán, làm sao phải phù hợp vơi năng lực bản thân, điều kiện gia đình và cả mong muốn của bản thân trong tương lai. Các em nên cân nhắc, tham khảo ý kiến của thầy cô, ba mẹ để chọn được hướng đi phù hợp”. Riêng về lựa chọn học CĐ, ông Cường cho biết, bậc học này hiện nay đã đào tạo rất đa dạng các ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần, thời gian học từ 3,5 – 4 năm, ra trường thí sinh có thể học tiếp bậc cao hơn hoặc ra nhập thị trường lao động…
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, đối tượng tốt nghiệp THCS học tiếp lên TC sẽ được miễn học phí 100%. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) cũng đề cập thêm một điểm mới là học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học hệ CĐ chính quy. Trong thời gian học 4 năm, vừa học nghề vừa học các môn văn hóa. Quy định mới này tạo ra thêm lợi thế cạnh tranh cũng như giúp các trường CĐ mạnh dạn trong tuyển sinh, đào tạo đối với học sinh sau THCS, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ. Trên thực tế, mô hình này được các gọi là mô hình 9+, được nhiều trường TC, CĐ áp dụng, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học liên thông lên CĐ, ĐH và ra nhập thị trường lao động sớm hơn. Mô hình được coi là hướng mở, tạo ra thêm một lựa chọn cho học sinh sau THCS học lên CĐ, ĐH ngoài con đường truyền thống là học tiếp THPT. Với lựa chon này, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện theo học.
Học sinh khối 9 tìm hiểu về hệ 9+ tại các đơn vị trường học trong ngày hội
Tại ngày hội, nhiều thông tin tuyển sinh sau THCS cũng được các trường đưa ra. Cụ thể, năm học 2020-2021, hệ phổ thông Trường CĐ FPT đào tạo 3 ngành là Thiết kế đồ họa, Digital Marketing, Quản trị nhà hàng khách sạn. Sau 3 năm học, người học sẽ nhận bằng TC, có thể tiếp tục liên thông lên CĐ, ĐH.
Tương tự, Trường CĐ Sài Gòn Gia Định năm học này cũng đào tạo 19 ngành nghề ở nhiều khối ngành khác nhau từ dịch vụ, sức khỏe… Bà Nguyễn Hồng Thủy (Đại diện nhà trường) cho biết, khi tham gia học hệ 9+ tại trường, thí sinh được hỗ trợ học phí 3 năm học, tốt nghệp ra trường nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, có bằng TC, có thể học liên thông lấy bằng CĐ chính quy. “Chương trình học mang đến nhiều thuận lợi cho các em lựa chọn. Điều quan trọng là tìm được một ngành học phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân”.
Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn cũng đang đào tạo hệ 9+ ở nhiều ngành nghề, như: Công nghệ ô tô, Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Thương mại điện tử… Theo bà Nguyễn Thị Bảo Vy (Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông), ở hệ đào tạo này trong khoảng thời gian đào tạo 3,5 năm, người học khi tốt nghiệp sẽ được nhận 3 văn bằng: Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, bằng TC chính quy, bằng CĐ chính quy. Các em có thể tự tin đảm nhiệm những công việc ở các ngành nghề mình đã học hoặc tiếp tục lựa chọn học tiếp lên hệ ĐH. Trong khi đó, tại Trường ĐH Công ngiệp thực phẩm TP.HCM lại đào tạo hệ THPT theo chương trình GDTX, học 7 môn. Tốt nghiệp THPT, người học sẽ được chuyển tiếp lên CĐ, ĐH tại trường 100%.
Năm học 2020-2021, Trường THCS-THPT Trần Cao Vân đưa vào sử dụng cơ sở 4 tại Q.12, nâng tổng số các cơ sở giáo dục của trường tại TP.HCM lên 4 cơ sở, với tổng số chỉ tiêu lớp 10 là 1.575 chỉ tiêu trong năm học tới cùng gần 3.000 học sinh đang theo học tại 3 cơ sở. ThS. Huỳnh Kim Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, các cơ sở của trường đều được đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, rèn luyện của học sinh như hồ bơi, khu giải trí. Trường học 2 buổi, có hệ bán trú, nội trú để học sinh lựa chọn. |
TS. Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, lựa chọn học tiếp lên THPT sau THCS sẽ cung cấp cho người học một nền tảng vững chắc cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Tuy nhiên, tùy vào năng lực bản thân, điều kiện gia đình để mỗi người có những ngã rẽ khác nhau. Mô hình 9+, người học vừa được trang bị văn hóa, vừa được trang bị kỹ năng kiế thức nghề nghiệp mà không tốn học phí. “Sau khi tốt nghiệp, các em được cấp bằng TC, CĐ và có thể học tiếp lên ĐH nếu mong muốn. Con đường ngắn này sẽ giúp các em đi nhanh hơn, phù hợp với năng lực của nhiều em, giúp các em có một nghề nghiệp, thu nhập ổn định”, TS. Tùng khẳng định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)