Các học sinh THCS Ninh Hiệp bị phụ huynh cho nghỉ học để phản đối xây trung tâm thương mại. Ảnh: I.T |
Sự việc bắt đầu từ sáng 21-12, hơn 2.000 HS của hai trường tiểu học và THCS Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội không được đến trường vì phụ huynh phản đối việc xây trung tâm thương mại của UBND xã. Đến 22-12, tình hình vẫn chưa thấy khả quan hơn.
Quýt làm cam chịu
Nhiều người dân cho biết nguyên nhân dẫn đến HS và tiểu thương phản ứng là họ vừa nhận được thông tin ngày 22-12 bãi trông giữ xe rộng khoảng 2.640m2 sẽ phải bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại. Một người dân cho biết bà có cháu học ở hai trường của xã nhưng cũng cho nghỉ học để phản đối quyết định của UBND xã. Theo lý giải của người này thì bãi giữ xe từ trước đến giờ là chỗ gửi xe của khách vào mua vải của các tiểu thương tại chợ Nành (chợ Ninh Hiệp). Giờ lấy xây trung tâm thương mại, khách không có chỗ gửi xe, tiểu thương không buôn bán được. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm, ngày 21-12, hai trường mầm non trong xã có trên 100 trẻ nghỉ học. Trường tiểu học có 1.477/1.646 HS nghỉ học. Trường THCS có duy nhất 1 HS đi học trong tổng số 940 HS. Buổi sáng 22-12, tại Trường THCS Ninh Hiệp vẫn không có HS nào đến học. Theo ông Nguyễn Thọ Bắc, Hiệu trưởng nhà trường, có hai lý do khiến HS không đến trường đó là: Phụ huynh bắt nghỉ để phản đối, hoặc nếu HS nào có đến trường thì cũng gặp một số đối tượng ngăn cản không cho vào học. Nhà trường cũng không biết làm thế nào. Việc giải quyết đất đai thuộc thẩm quyền của xã. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì theo ông Bắc sẽ rất vất vả cho các thầy các cô. Không chỉ vất vả trong công việc mà theo ông Bắc, các giáo viên trong trường còn chịu sức ép của dư luận. Chính vì vậy, ông Bắc cũng mong muốn lực lượng an ninh vào cuộc để tìm ra kẻ đứng sau chuyện ngăn cản không cho HS đến lớp.
Sợ mất chỗ buôn bán nên xua con “biểu tình” Theo người dân địa phương, chợ Nành được mở rộng từ năm 2002 và trước đây cổng chợ có một bãi đỗ xe rộng 583m2. Sau đó theo quyết định của Hà Nội, tiểu thương đã nhường lại diện tích đất này cho hai trung tâm thương mại để chuyển ra khu đất khác. Thời gian gần đây người dân không yên tâm buôn bán được do bãi đất cạnh chợ lại tiếp tục bị thu hồi trong khi chưa đối thoại với tiểu thương. Nếu bãi giữ xe tiếp tục bị quy hoạch, người dân chỉ còn cách bỏ nghề buôn bán đi làm thuê nơi khác. Còn theo ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm, không chỉ chính quyền xã mà UBND huyện đã đối thoại nhiều lần với người dân về việc thu hồi diện tích đất nói trên, nhưng người dân nhất định không nghe theo. Khu đất thu hồi là đất do chính quyền địa phương quản lý và không phải đất của riêng cá nhân nào. Trước khi thu hồi, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo quy hoạch một khu đất rộng khoảng 6.000m2 trước chợ để tiểu thương làm nơi trông giữ xe và sau đó sẽ tiếp tục nâng cấp chợ chứ chính quyền không có ý định thu hẹp hay xóa chợ Nành. Ông Tú cũng cho biết năm 2013, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Dự án xây trung tâm thương mại cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Vĩnh Phát. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thành tốt những cam kết cũng như vấn đề đền bù. Việc cả HS tham gia biểu tình UBND huyện, đại diện Công an TP.Hà Nội cũng đã họp triển khai tìm cách tháo gỡ. |
Còn tại Trường Tiểu học Ninh Hiệp, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cho biết chỉ có khoảng vài chục HS đến trường. Nhà trường cũng không tổ chức dạy học được.
Chia sẻ với Giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc ngăn cản trẻ đến trường là vi phạm quyền trẻ em. Chính vì vậy, sở đã chỉ đạo phòng tiếp tục vận động, tuyên truyền để Nhân dân địa phương hiểu để đảm bảo quyền lợi của trẻ.
Tìm giải pháp đưa HS trở lại trường
Theo ông Hoàng Việt Cường, sáng 21-12, ông và một số chuyên viên trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Ninh Hiệp chỉ đạo các trường. Trong đó, ông Cường đã họp với ban giám hiệu trường tiểu học và THCS để đưa ra các giải pháp đưa HS đến trường học và trực tiếp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Thông báo tuyên truyền kêu gọi, vận động phụ huynh và bà con tạo mọi điều kiện để HS ra lớp học, không lôi kéo HS tham gia vào các việc của người lớn. Ban giám hiệu và giáo viên trực tiếp ra cổng đón HS vào học; phân công cán bộ, giáo viên đến các điểm có HS tập trung đông. Chỉ đạo các trường họp với ban đại diện cha mẹ HS của trường và các lớp để tuyên truyền phụ huynh đưa con ra lớp.
Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm cũng yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tiếp làm việc nghiêm túc. Tích cực vận động, tuyên truyền HS thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của HS. Báo cáo kịp thời với lãnh đạo địa phương và lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện. Chiều 22-12, Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo xã Ninh Hiệp và hai trường để tìm ra giải pháp mới.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)