Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư chất xám cho nước ngoài… hưởng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Du học sinh Việt Nam tại Singapore chụp hình lưu niệm với đoàn Sở GD-ĐT TP.HCM

Pierre Darriulat cho rằng, tình trạng chảy máu chất xám hiện nay là một khó khăn rất lớn mà Việt Nam nói chung và các trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng cần phải vượt qua. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam nhận được nhiều sự giúp đỡ của nước ngoài dưới dạng các suất học bổng du học, tạo điều kiện cho các sinh viên ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, theo thống kê thì có tới 80% du học sinh (dù là du học tự túc, học bổng nước ngoài hay do ngân sách nhà nước cấp) không muốn trở về quê hương. Năm 2007, cả nước có khoảng 50.000 du học sinh thì có tới 40.000 người muốn ở lại các nước mà họ đã và đang học tập, nghiên cứu. Từ năm 2000 đến 2006, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cho 2.684 nghiên cứu sinh ra nước ngoài du học, trong đó có 871 tiến sĩ, 793 thạc sĩ và 814 cử nhân. Chi phí bình quân cho mỗi du học sinh theo đề án 322 là khoảng 22.000 USD/năm, tức khoảng 100.000 USD/4 năm, tức trên 1,5 tỷ đồng. Một vị giáo sư đã so sánh: Chỉ riêng tại Úc và Đức, mỗi năm nhà nước ta phải chi đến 5.000 tỷ đồng cho các du học sinh. Và, một khi nguồn chất xám khổng lồ này không được khai thác đúng, số tiền mấy ngàn tỷ đồng kia phải gọi tên chính xác là chảy máu ngoại tệ.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT trình Quốc hội năm 2004, trong số vài ngàn du học sinh du học bằng tiền nhà nước, chỉ có 120 trường hợp quay về. Đây quả thật là vấn đề không nhỏ. Nguyên nhân là do “Việt Nam chưa có các trường đại học và viện nghiên cứu mà đất nước xứng đáng phải có”. Hơn nữa, việc bố trí việc làm và chế độ đãi ngộ cho các sinh viên giỏi sau khi ra trường cũng còn nhiều hạn chế. “Nỗi lo ngại này luôn là mối quan tâm thường trực” trong ông.
Việc phải trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã làm cho nền kinh tế nước nhà kiệt quệ. Cho nên, tình trạng chảy máu nhân tài trong suốt những năm qua ở nước ta cũng là điều dễ hiểu.
Để khắc phục tình trạng đáng buồn trên, Pierre Darriulat cho rằng, Việt Nam cần phải tự tin hơn vào chính bản thân mình.
Trước tiên, Việt Nam cần phải giáo dục cho các thế hệ sinh viên lòng tự hào về một dân tộc ham hiểu biết và có truyền thống giáo dục đáng kính trọng. Đồng thời khơi dậy niềm khao khát phụng sự Tổ quốc và dân tộc, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thành mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Việt Nam cần phải cho các sinh viên của mình thấy được một niềm tin phơi phới vào tương lai tươi sáng. Chỉ có ở Việt Nam, chứ không phải ở bất kỳ một quốc gia nào khác, mới có thể đảm bảo cho sự phát triển tài năng của họ. Tổ quốc sẽ ghi công họ, dân tộc sẽ mang ơn họ đời đời. Chúng ta cần phải đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ nước nhà khi giao cho họ trọng trách gánh vác tương lai đất nước. Trong lịch sử, cách mạng và chiến tranh đã tạo cơ hội cho họ và chúng ta đã thấy họ viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc như thế nào. Vậy tại sao bây giờ, chúng ta lại không tin tưởng vào lớp lớp những sinh viên thông minh và giàu nhiệt huyết cống hiến để xây dựng một đất nước hiện đại và phát triển? Việc thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ ra đi. Đây là điều trăn trở không chỉ của riêng Pierre Darriulat mà còn của rất nhiều người làm giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải có các chính sách và kế hoạch dài hơi để giữ chân người tài. Bắt đầu từ việc cải thiện đào tạo đại học và chất lượng các viện nghiên cứu. Việc này không thể được tiến hành dần dần hay từng bước với một vài cải cách vụn vặt mà cần có một cuộc cách mạng thực sự. Cần có một ý chí mạnh mẽ và quyết tâm thay đổi sâu sắc nhằm cải thiện tận gốc chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Một cuộc cách mạng như vậy bao gồm sự phân tích nghiêm túc thực trạng và vạch ra rõ ràng, trung thực những yếu kém cơ bản và cả những lề thói xấu trong giáo dục. Thế hệ trẻ xứng đáng được hưởng một nền giáo dục có chất lượng và là niềm tự hào của dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định một cách đúng đắn rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đành rằng hiện nay, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và chiến lược đào tạo trong các trường đại học và viện nghiên cứu của chúng ta còn thấp. Nhưng, chúng ta cần có ngay các chính sách phù hợp nhằm nâng cấp các trường đại học và viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia để thu hút sinh viên và nhà khoa học tài năng, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước. Như nhà sử học Thân Nhân Trung đã viết, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh”. Không một quốc gia nào phát triển mà lại không cần đến các hiền tài. Đây là một chân lý mà các thế hệ chúng ta cần phải học tập người xưa và phát huy cho tương lai.

Nguyễn Danh Phương (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)