Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng ngoại nhập “mua đuổi, bán đuổi” theo giá USD

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhà sản xuất, kinh doanh không ít lĩnh vực đã lên kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm.
"Mua đuổi, bán đuổi" theo giá USD
Tăng giá bán ngay lập tức hiện phải kể đến các doanh nghiệp thương mại. Anh T.Q.C – Giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị xử lý nước tại quận Thanh Xuân cho biết, ngay khi giá đôla liên ngân hàng được điều chỉnh tăng từ 19.500 đồng lên 20.900 đồng hôm 11/2, anh đã "đi toi" gần 20 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá trong một ngày.
Số là giáp Tết, công ty anh C. nhận được đặt hàng cung cấp một loại máy bơm chân không (trị giá 2.300 USD) và một máy bơm màng (trị giá 10.000 USD) từ 2 đối tác. Nhưng thời điểm đó hàng chưa về, hợp đồng ký kết quy ra tiền Việt ứng với giá đô 19.500 đồng. Cách đây mấy ngày, bên cung ứng báo có hàng, nhưng giá mỗi đôla bất ngờ vọt mạnh thêm 1.400 đồng so với mức cũ. Lỗ trông thấy gần 20 triệu nhưng anh C. vẫn phải cắn răng coi đó là "rủi ro" trong kinh doanh để giữ uy tín với đối tác.
Điện máy nhập khẩu là một trong nhiều nhóm hàng tiếp tục đội giá tới đây.
"Cuối năm vừa rồi, tôi cũng dự đoán khả năng giá USD sẽ phải tăng thêm, ước chừng 500-600 đồng/USD, nhưng mức thực tế cao hơn hẳn. Làm thương mại thì nhập bao nhiêu, bán bấy nhiêu, một năm mà tỷ giá biến động mấy lần thế này là chết dở" – Anh C. than thở.
Cũng trong cảnh "mua đuổi, bán đuổi" theo giá USD trên thị trường tự do, chủ cửa hàng sản phẩm công nghệ cao DigiWorld trên phố Hàng Bài ngay từ bây giờ đã rào trước, các lô hàng mới nhập về vào giữa tuần sau tại đây sẽ tăng giá ở mức "tương đối".
Cứ mỗi sản phẩm trị giá 500 USD, tới đây người tiêu dùng sẽ phải chi thêm khoảng 400.000-500.000 đồng tiền Việt nữa – chủ cửa hàng cắt nghĩa.
"Dễ thở" hơn, ở lĩnh vực máy tính, linh kiện, anh Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc Công ty Bách Phương tính toán, nếu gộp cả mức tăng của tỷ giá và gián tiếp đến thuế giá trị gia tăng (VAT), thì giá thành mỗi sản phẩm trong chu kỳ 3 tháng 1 đợt model mới tới đây sẽ tăng thêm trung bình từ 1-1,3%.
Như vậy, một sản phẩm giá 10 triệu đồng sẽ nhích thêm 100.000 đồng. Tuy nhiên, đây vẫn được cho là mức tăng "không đáng kể" so với những mặt hàng xa xỉ, giá trị lớn như ôtô nhập khẩu – ngoài chịu thuế nhập khẩu còn phải kể đến thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến già nửa giá trị chiếc xe.
Sốt sắng không kém phải kể đến lĩnh vực điện tử, điện máy khi mùa hè – vụ kinh doanh sôi động nhất trong năm sắp khởi động. Để thành công, ngay từ bây giờ các trung tâm bán lẻ lớn đã phải xem xét các yếu tố, tính toán, lên kế hoạch nhập hàng. Song khi mà tỷ giá đang biến động mạnh, không ít đơn vị nhận ra rằng, có tiền cũng chưa giải quyết được vấn đề.
Đại diện trung tâm điện máy Trần Anh, anh Ngô Thành Đạt chia sẻ, mọi năm tầm này nhà bán lẻ đã ký được hợp đồng với các hãng trong việc cung ứng số lượng hàng lớn, giá tốt và các điều khoản rõ ràng, thì nay do tỷ giá khó đoán định, mọi thứ lại bị đem ra soi xét kỹ và dè dặt hơn.
Ví như mặt hàng điều hòa, một trung tâm lớn dự kiến bán được trong vụ hè (từ tháng 4 đến tháng 7) khoảng 15.000 bộ. Hiện giờ họ đã phải tính toán phân bổ ra lượng hàng nhập của từng hãng, từng dòng, công suất, giá tiền… Tâm lý của nhà bán lẻ thường muốn chốt một lượng hàng lớn với giá tốt đến giữa năm, thì nay trong đàm phán, nhà sản xuất, cung ứng chỉ muốn cam kết giá đến tháng 4 mà thôi – anh Đạt cho hay.
Nếu như giá hàng điện tử, điện máy dự báo sẽ tiếp tục nhích lên theo tỷ giá USD, thì có lẽ nhóm thực phẩm có phần bình ổn hơn cả.
Theo một số nhà nhập khẩu, phân phối, nhu cầu tiêu thụ mạnh nhất đối với thực phẩm nhập khẩu là đợt cuối năm đã qua. Thời điểm nhập nhiều nhất thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch; hơn nữa, các hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn, hiện chiếm từ 70-95% là hàng nội địa, nên ảnh hưởng tức thì và trông thấy từ tỷ giá USD là chưa mạnh.
Nhu cầu hàng thiết yếu khó giảm
Tỷ giá đôla liên ngân hàng tăng được cho là một biện pháp để hạn chế nhập siêu, khắc phục tình trạng 2 giá đôla trên thị trường hiện nay, tuy nhiên vấn đề không dừng lại ở việc nhập khẩu thành phẩm, mà rất nhiều ngành sản xuất nội địa đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu, linh kiện nhập ngoại.
Chỉ nói riêng ngành giấy, theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất giấy vở, giấy vệ sinh tại Bắc Ninh, nguyên liệu bột giấy trong nước thường chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu sản xuất của đơn vị. Càng về sau, tỷ lệ đô thị hoá càng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giấy của thị trường càng tăng thì doanh nghiệp càng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là để làm ra các sản phẩm cao cấp.
Việc tỷ giá USD được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh vừa qua, theo vị này cũng là thuận theo thị trường có nhiều điểm tích cực, nhưng nguy cơ lạm phát từ đây không thể chủ quan. Bởi lẽ, với những mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng không thể ngừng hoặc giảm sử dụng; doanh nghiệp cũng không thể hạn chế nhập khẩu nguyên liệu, giảm sản xuất.
Tình huống xấu nhất khi doanh nghiệp không được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ để thu mua, dự trữ nguyên liệu đó là hoặc người tiêu dùng sẽ phải chịu giá cao, hoặc họ sẽ phải dùng những sản phẩm thấp cấp, chất lượng giảm sút. Tính cạnh tranh của sản xuất trong nước ngày càng đi xuống. Cuộc chạy đua ngầm để mua đôla diễn ra sẽ càng gây khó khăn trong việc thu tỷ giá ngoại tệ chủ chốt này về một mối.
Chính vì thế, theo nhiều chủ doanh nghiệp, một khi nguyện vọng được đảm bảo nguồn cung ngoại hối dễ dàng, chính sách kích cầu linh hoạt, đi đôi với việc thắt chặt quản lý, điều hành thị trường của các cấp quản lý, "cơn sốc" về tỷ giá đầu năm 2011 sẽ qua đi một cách êm đềm, chuyển bại thành thắng khi không để lại áp lực lớn lên lạm phát cả năm.
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)