Sau lệnh tiếp tục tạm dừng thêm nhiều hoạt động không thiết yếu, trong đó các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kinh doanh thức ăn đường phố tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Các hàng quán hiện đã tuân thủ theo quy định này.
Quán cơm gà Hải Nam chỉ phục vụ khách mua về
Ngừng phục vụ tại chỗ
Những ngày này, các hàng quán đều đồng loạt treo bảng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về. Một số quán có không gian lớn hay các thương hiệu cà phê nổi tiếng cũng đã đóng cửa để phòng dịch bệnh Covid-19.
Theo ghi nhận của chúng tôi, quanh chung cư Ngô Gia Tự (Q.10) đã không còn náo nhiệt như trước, các quán bán món ăn sáng như: bún bò, cháo lòng, bánh canh, hủ tiếu, bún riêu… đều không bày bàn ghế, tất cả được thu xếp gọn gàng, người bán chấp hành đúng quy định thông báo không nhận khách tại chỗ, chỉ bán mang về.
Các loại thực phẩm khô, đóng gói, nhu yếu phẩm hút khách
Cá khô được người dân mua về ăn dần
Tiếp tục dạo quanh khu phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung, chúng tôi thấy nơi đây cũng được thu dọn lại gọn gàng, khu ẩm thực đã ngưng phục vụ khách và làm nơi giữ xe cho người dân đi chợ.
Tuyến đường Nguyễn Tri Phương – nơi mệnh danh “con phố ăn uống” vì hàng quán san sát nhau với đủ các món ăn hấp dẫn như: chè Thái, trà sữa, gỏi cuốn, lẩu xiên que… nay đã đìu hiu. Trên con đường này có quán cơm gà Hải Nam nổi tiếng, uy tín, bán hàng trăm phần mỗi ngày, nay đã dán bảng thông báo “Cơm gà Hải Nam tạm ngưng phục vụ khách ăn tại tiệm, có phục vụ cơm hộp mang về”.
Trong khi đó, đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) – khu ăn uống nổi tiếng ở TP.HCM với hàng loạt thương hiệu lớn nay cũng vắng vẻ, các quán ăn uống hai bên đường đều để biển chỉ bán mang về. Một số quán đóng cửa và dán thông báo “Quán tạm nghỉ phòng dịch Covid-19”.
Hàng quán quanh chung cư Ngô Gia Tự thu lại gọn gàng, phục vụ mang về
Tại đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1), nhân viên các nhà hàng đã xếp bàn ghế, đóng cửa nhà hàng và bảo vệ đã “lắc đầu” khi có khách hàng đến hỏi thăm. Đường Nguyễn Quang Thiều (Q.3) có quán Beef Steak 100g thường đông nghẹt giới trẻ, nhất là các em học sinh nay đã đóng cửa hẳn. Các quán nước, cơm trưa bên cạnh cũng ngừng phục vụ khiến con đường vắng hoe.
Ngoài ra, các khu vực có nhiều hàng quán, dịch vụ ăn uống như: Công viên hầm Thủ Thiêm, đường Phạm Văn Đồng, đường 3-2… một số quán dán thông báo nghỉ bán, còn lại đa số các quán để biển chỉ bán mang về để phòng dịch Covid-19. Tại những quán thương hiệu lớn bán mang về, bảo vệ đứng ngoài đo nhiệt độ, xịt nước rửa tay sát khuẩn cho khách trước khi vào bên trong.
Người bán được, người không
Theo chị Nguyễn Thị Thảo (chủ quán bún riêu, đường An Dương Vương (Q.5), trước đây, mỗi buổi sáng chị bán cả trăm tô bún riêu nhưng bây giờ bán không được một nửa nên thu nhập cũng giảm nhiều. “May là tôi buôn bán nhỏ và kinh doanh ăn uống nên còn được phép bán mang về chứ như các quán lớn, tốn tiền thuê mặt bằng thì bán lèo tèo như thế này thì sao mà trụ nổi. Dịch bệnh là tình hình chung, mong mọi người đều ý thức để sớm dập được dịch, giúp cuộc sống mọi người trở lại bình thường như trước đây” – chị Thảo thở dài.
Khu ẩm thực tại phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung ngưng hoạt động, làm chỗ giữ xe cho người dân
Đang chở trên xe nhiều đồ lỉnh kỉnh, anh Trần Minh Tuấn (khách hàng) chia sẻ: “Nhà gần chợ nhưng nghe tin TP ra lệnh cách ly tôi lo thiếu lương thực nên mua thêm các loại thực phẩm khô về dự trữ. “Tình hình này ai ở nhà nấy, hạn chế tụ tập là cách tốt nhất” – anh Tuấn nói xong liền phóng xe đi. |
Đại diện chuỗi trà sữa lớn tại TP.HCM cho biết dù buồn khi không thể bán hàng tại quán nhưng việc tạm ngưng này đã nằm trong các “kịch bản” của doanh nghiệp, do đó ngay từ trưa 27-5 đến nay, hệ thống này đã chuyển sang bán thức uống online. “Thời điểm này kinh doanh online là cách cầm cự hiệu quả nhất, tuy nhiên khách hàng phải chịu phí ship nên giá cả hơi cao so với mua hàng trực tiếp tại quầy. Đối với khách hàng đặt mua số lượng nhiều, chúng tôi mới có thể giảm giá” – đại diện chuỗi trà sữa này cho biết.
Tương tự, bà Phan Bùi Bảo Tuyên (chủ nhà hàng Q.Tân Bình) cho biết bà đã giảm nguyên liệu đầu vào, chuyển sang bán hàng online và tính tới phương án cho nhân viên tạm nghỉ trong thời gian ngưng phục vụ tại nhà hàng.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, ngoài các dịch vụ ăn uống thì gạo, các loại thực phẩm khô, đóng gói, nhu yếu phẩm tại các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, siêu thị bán chạy nhất.
Anh Nguyễn Văn Nam (chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Bà Hạt, Q.10) cho biết, thời gian qua cửa hàng của anh bán rất “được” nhất là mì gói, cá hộp, trứng, sữa, bia… với giá cả hợp lý. “Thời điểm này đa số người dân đều hạn chế ra đường trừ những trường hợp cần thiết nên họ thường mua những loại hàng hóa có thể sử dụng lâu dài. Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, tôi còn bán online, giao miễn phí tận nơi nên tình hình buôn bán của tôi không ảnh hưởng nhiều” – anh Nam vui vẻ nói.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)