Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hàng rong: Ngon, rẻ nhưng coi chừng sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng rong trước cổng trường là món khoái khẩu của nhiều HS bởi giá rẻ, tiện lợi… Tuy nhiên, do được chế biến bởi các loại thực phẩm, gia vị không rõ nguồn gốc, bày bán lề đường không vệ sinh sẽ là hiểm họa cho sức khỏe.

Hàng rong bán trước Trường THPT An Nghĩa (Cần Giờ)

Quanh tường rào Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), ngày nào cũng có các xe trà sữa, cá viên chiên, bắp xào, kem, bánh mì, xôi… xếp hàng chờ HS. Dù đã được cảnh báo về thực phẩm thiếu an toàn nhưng nhiều HS vẫn sử dụng vì… ngon và giá rẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cần từ 5.000-15.000 đồng là có được món ăn, ly nước.

Một người bán trà sữa tại đây cam đoan “trà sữa nhà làm”, nhưng nhìn những nguyên liệu như thạch, trân châu không nhãn mác, nhiều thứ được đựng trong bao ni lông, chai nhựa bẩn thì chúng tôi không khỏi ái ngại.

Phía trước Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cũng chẳng khá hơn, hàng quán “giăng kín” từ dưới đất, trên xe đạp và xe đẩy. Tấm biển có nội dung “Lập lại trật tự đô thị, cấm buôn bán hàng rong” đặt tại đây xem ra chẳng có tác dụng gì. Thêm nữa, trên lề đường, địa phương đã lắp rào chắn ngăn hàng rong nhưng chẳng ăn thua. Nhìn nồi súp cua, mâm bánh trán trộn đặt ngay dưới nền đất bụi bặm, ruồi nhặng bu kín, bà Nguyễn Thị Hải (phụ huynh HS Trường THPT Nguyễn Thị Diệu) lắc đầu ngao ngán.

Ngoài những món ăn vặt còn các món ăn no như mì, nui xào, cơm chiên… cũng thu hút HS. Em Tân Ng. (HS lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết: “Vào mỗi chiều, xung quanh cổng trường bán rất nhiều đồ ăn không đảm bảo vệ sinh. Biết ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì học thêm buổi tối, không có nhiều thời gian để về nhà nên em ra đây ăn cho nhanh. Mỗi hộp cơm, mì chỉ 15.000 đồng, phù hợp với túi tiền HS”.

Không chỉ ở nội thành, trước cổng nhiều trường ở ngoại thành, thức ăn không hợp vệ sinh cũng bày bán tràn lan. Cụ thể, hàng rong trước Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) được bán bên lề đường xuống cấp, bụi bay mù mịt. Mỗi lần xe buýt ra vào đón HS là kéo theo một trận “bão bụi” ập vào, thế mà nhiều HS vẫn vô tư mua. Khu vực cổng Trường THCS Đa Phước (huyện Bình Chánh), hàng rong cũng “bủa vây” HS, đáng nói đây là khu vực ô nhiễm nặng vì bụi.

Các xe hàng rong bày bán quanh cổng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi

Vào giờ tan học, xe cá viên, bò viên, tôm viên chiên… trước cổng Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) bán không kịp, HS phải xếp hàng đợi. Em Ngọc H. (lớp 6, Trường THCS Bàn Cờ, Q.3) cầm hộp cá viên chiên, hồn nhiên nói: “Thầy cô khuyên không nên ăn vì có nguy cơ gây hại đến sức khỏe nhưng em vẫn ăn vì rất ngon, là món khoái khẩu”.

Chị Thúy (phụ huynh HS Trường THPT Nguyễn Thị Diệu) chia sẻ: “Muốn con không ăn hàng rong thì phải giáo dục ngay từ nhỏ. Cha mẹ nên quan tâm đến bữa ăn của con, tạo điều kiện đưa đi ăn ở những nơi hợp vệ sinh và nói những tác hại của thức ăn không tốt để sau này khi lớn lên chúng tự chọn cho mình thực phẩm an toàn”.

Trước Trường THCS Đa Phước (Bình Chánh), hàng rong giăng kín

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), ăn hàng rong có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính. Đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc, dùng lâu dài, liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thêm nữa, khi ăn quá nhiều đồ ăn vặt sẽ dẫn đến tình trạng bỏ bữa ăn chính – bữa ăn vốn dĩ mang lại nhiều dinh dưỡng cần thiết.

BS Diệp lưu ý: “Người bán hàng không đeo găng tay, khẩu trang, dùng kẹp gắp, các quầy, đặt dưới đất, thức ăn không bao bọc cẩn thận; thực phẩm không làm chín… là những nguyên nhân gây ngộ độc. Để hạn chế, phụ huynh thường xuyên giải thích cho con biết về tác hại của thực phẩm hàng rong. Các trường cũng nên đa dạng các loại thực phẩm trong căng tin để các em không ăn trước cổng, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho các em về an toàn vệ sinh thực phẩm để tự nhận diện”.

Bài, ảnh: Kiều Khánh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)