Kế hoạch xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP.HCM đã được triển khai từ năm 2008. Bên cạnh những mặt làm được sau gần ba năm thực hiện thì đến nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập đang diễn ra. Hàng rong vẫn vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán… Có thể nói, chỗ nào “làm ăn” được là ở đó có đội ngũ bán hàng rong.
Hàng chục xe đẩy các loại “trưng dụng” hầm chui Linh Xuân để buôn bán. Ảnh chụp chiều 14-7 |
Ngày và đêm trên những cung đường hàng rong
Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (Q.5) được xem là điểm nóng về vấn nạn hàng rong. Con đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn qua BV) vốn đã chật hẹp nay lại bị “thắt cổ” bởi hàng chục xe hàng rong lấn chiếm cả hai bên đường khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn và thường xuyên xảy ra va chạm. Tình hình giao thông trở nên hỗn loạn vào các giờ cao điểm.
Tương tự, tại mặt tiền của nhiều BV ở trung tâm TP cũng nhan nhản hàng rong án ngữ. Xe đẩy bán hàng, xe ôm đậu la liệt. Lực lượng này chèo kéo, la hét tạo nên cảnh buôn bán vô cùng bát nháo. Tại các BV: Ung bướu, Từ Dũ, Hùng Vương, Răng hàm mặt, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Đại học Y dược… cũng bị “đội quân” này bao vây từ vòng ngoài.
Tại các cổng trường học, khu công nghiệp (KCN) cũng chung số phận. Dạo quanh các trường ĐH như: Khoa học tự nhiên, Bách khoa và KCN Tân Bình, KCX Linh Trung… đâu đâu cũng thấy người bán hàng rong. Hành lang bộ hành trên các cây cầu: Chợ Cầu, Trường Đai, Tham Lương, cầu Kiệu, Điện Biên Phủ… cũng được đội ngũ này “tận dụng” tối đa để buôn bán.
Thậm chí, đội quân hàng rong cũng… không tha khuôn viên của các công viên. Tại các công viên Gia Định, Lê Thị Riêng… lúc nào cũng có những người bán hàng rong “túc trực” hai bên đường. Xe bánh mì, nước mía, khoai lang, hột gà, sương sa, dừa tươi… đậu dọc hai bên và chiếm luôn phần đường dành cho xe hai bánh. Còn lòng đường thì bị biến thành bãi rác công cộng để chứa các loại nước thải, bã mía, bịch ni lông, vỏ trứng gà… được người bán xả trực tiếp không thương tiếc.
Hầm chui cầu vượt Linh Xuân, Q.Thủ Đức được xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng, vừa mới đưa vào sử dụng cuối năm 2010 nay cũng bị đội quân hàng rong “trưng dụng” làm của cho riêng mình. Kẻ bán, người mua chen chúc ngay giữa lòng đường khiến các phương tiện phải len lỏi đi giữa “rừng” xe đẩy, trông rất nguy hiểm và mất mỹ quan.
Không chỉ bị “vây” vào ban ngày mà tới đêm, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM cũng trở nên rất bát nháo vì vấn nạn hàng rong bủa vây, lấn chiếm lòng lề đường. Ở đâu “làm ăn” được là ở đó có hàng rong.
Đến hẹn lại lên, cứ bắt đầu từ hơn 5 giờ chiều mỗi ngày, hai bên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ giao lộ Huỳnh Mẫn Đạt đến Nguyễn Văn Cừ) trở thành “chợ”. Lề đường bỗng chốc trở thành nơi trưng bày đủ các loại hàng hóa từ giày dép, mũ nón đến các loại quần áo… Hàng chục điểm bán mũ bảo hiểm được dựng lên, các sạp áo quần, giày dép, thắt lưng… “dã chiến” cũng đua nhau “mọc” ngay lòng, lề đường kéo dài hàng trăm mét mà không thấy lực lượng chức năng nào xử lý. Trong khi đó, người mua thì thỏa sức lựa chọn và người bán thì vô tư chèo kéo… chẳng ai đoái hoài đến cảnh nhếch nhác, mất trật tự và đặc biệt là sự “khốn khổ” của người đi đường.
Tầm 6, 7 giờ tối, đường Dương Tử Giang (Q.5) bị các quán lẩu “trưng dụng” từng xen-ti-mét vỉa hè, lề đường để đặt bàn ghế, dựng xe. Đội ngũ nhân viên của những quán lẩu ở đây án ngữ ngay lòng đường để chào mời khách tạo nên cảnh hỗn loạn và gây không ít phiền toái cho người lưu thông qua đoạn đường này. Tương tự, đường Hàn Hải Nguyên (Q.11), Lê Bình (Q.Tân Bình), Hoàng Minh Giám (đoạn qua công viên Gia Định, Q.Phú Nhuận)…, cũng loạn các loại hàng rong, quán nhậu tranh nhau lấn chiếm lòng lề đường.
Có bị thả nổi?
Có thể nhận thấy, các ngành chức năng dường như bất lực trước sự bành trướng của hàng rong. Công tác xử phạt vi phạm cứ luẩn quẩn trong vòng: đuổi thì chạy và không đuổi thì bán. Do đó, “căn bệnh” hàng rong lấn chiếm lòng lề đường chẳng những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Tại công viên Gia Định, nhiều lần chúng tôi tận mắt chứng kiến khi lực lượng dân phòng đi tuần thì hàng chục xe đẩy bất chấp nguy hiểm cứ ào ào băng qua bên kia đường giữa dòng xe cộ đông đúc để tránh sự truy đuổi. Tuy nhiên, khi lực lượng này rút đi thì mọi chuyện trở lại bình thường. Thực trạng trên cũng diễn ra tại trước cổng BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược. Còn ở những điểm khác như công viên Lê Thị Riêng, BV Từ Dũ, KCX Linh Trung… rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng có mặt để xử lý.
Đầu tháng 12-2010, UBND Q.5 đã ra quân truy quét hàng rong trước cổng BV Chợ Rẫy, bố trí lực lượng tuần tra 24/24. Nhưng sau một thời gian buông lỏng thì đến nay cánh hàng rong vẫn buôn bán bình thường. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó chủ tịch UBND phường 12, Q.5 – cho biết: “Từ khi triển khai chương trình nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là kế hoạch 72 của UBND Q.5 về việc sắp xếp trật tự đô thị tuyến đường Nguyễn Chí Thanh khu vực BV Chợ Rẫy thì số lượng người dân bán hàng rong trước cổng BV giảm đáng kể, cụ thể từ 80 đến 90 xuống còn trên dưới 10 xe đẩy các loại. Những trường hợp này, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để sớm giải quyết dứt điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2011, chúng tôi đã xử phạt 154 trường hợp vi phạm, tổng số tiền nộp phạt là 114,4 triệu đồng”.
Theo ông Hiếu thì: “Khó khăn lớn nhất mà các lực lượng chức năng ở chính quyền địa phương gặp phải đó là hầu hết các đối tượng kinh doanh, buôn bán hàng rong đều tạm trú ở nơi khác đến buôn bán. Do đó, công tác tuyên truyền vận động gặp trở ngại. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì thực hiện kế hoạch 72 và có hướng bố trí khu vực riêng dành cho những hộ dân nghèo để buôn bán”.
Sự ra đời của chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã kịp thời chấn chỉnh những mặt xấu đang tồn tại ở một đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, đây là một chiến lược dài hơi, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, nếu chỉ làm theo kiểu hình thức, cầm chừng… như một số quận huyện hiện nay thì rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Bình luận (0)