Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng tấn yến lậu chui qua lỗ kim hải quan

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung, vẫn giữ nguyên đề nghị Viện KSND tối cao truy tố đường dây buôn lậu yến quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 
Sơ chế yến sào (ảnh có tính chất minh họa) – Ảnh: Diệp Đức Minh
Các bị can là Võ Ngọc Phượng (42 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) là chủ hộ kinh doanh yến sào Phúc Thịnh về tội “buôn lậu”, Nguyễn Quang Hưng (41 tuổi, ngụ Hà Nội, nguyên Phó đội trưởng Đội Thủ tục hành lý nhập, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài), Nguyễn Minh Đức (37 tuổi, nguyên nhân viên của Hưng, cả 2 đều ngụ Hà Nội) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, cuối năm 2014, Viện KSND tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung Võ Ngọc Phượng thêm tội “đưa hối lộ” và Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Minh Đức về tội “nhận hối lộ”…
“Mua cửa” qua cán bộ hải quan Nội Bài
Khoảng năm 2012, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46B), Bộ Công an phát hiện số lượng lớn yến huyết được nhập lậu từ Indonesia, Malaysia về VN tiêu thụ. Qua điều tra, trinh sát xác định Phượng là chủ cửa hàng kinh doanh yến sào Phúc Thịnh khá bề thế nằm mặt tiền đường Hậu Giang, Q.6, điều hành đường dây nhập lậu yến nói trên.
Chiều tối 19.12.2014, khi Lữ Chí Hào (30 tuổi, ngụ Q.8, nhân viên của Phượng) vừa mang 4 kiện hàng yến từ Malaysia về sân bay Tân Sơn Nhất thì bị trinh sát C46B phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bắt giữ. Khám xét nơi ở của Phượng, lực lượng phối hợp thu giữ 39 va li cùng nhiều hóa đơn, chứng từ, sổ sách cho thấy từ ngày 20.5.2011 – 23.7.2012 Phượng nhập lậu hơn 6 tấn yến sào trị giá trên 62 tỉ đồng về VN tiêu thụ. Từ năm 2010, Phượng móc nối với các “đầu nậu” tên Jony, Hugo, Kui, Xíu, King, Toàn, Cánh, Lải (là người Malaysia, Indonesia). Khi gom được hàng, các “đầu nậu” này gọi báo cho Phượng sang Malaysia, Indonesia xem hàng, sau đó Phượng chỉ đạo Hào cùng 6 nhân viên khác thay nhau vận chuyển yến lậu về VN qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.
Để “lọt” qua khỏi cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Phượng móc nối với Hưng, Đức nhập lậu 47 chuyến hơn 3.774 tấn yến, trị giá 32 tỉ đồng. Theo kế hoạch, khi nào Phượng nhập yến về VN thì gọi điện thoại cung cấp thông tin cho Đức về số người vận chuyển yến, số lượng va li, số chuyến bay, ngày giờ để báo lại cho Hưng biết sắp xếp đưa hàng qua cổng kiểm tra giám sát hải quan mà không cần khai báo. Lúc đầu, Đức lấy 400 USD/va li/trung bình chứa 20 kg yến nguyên liệu; về sau Đức nâng lên 600 USD/va li. Khi nhận hàng, Phượng đưa tiền trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân cho Đức…
Tại cơ quan điều tra Đức khai, sau khi nhận lời giúp Phượng nhập lậu yến, Đức đã báo cáo Hưng và Hưng đồng ý. Theo đó, Đức nhận thông tin từ Phượng; còn Hưng chịu trách nhiệm sắp xếp đưa các va li yến ra khỏi cổng kiểm tra giám sát của hải quan. Đức nhận tổng cộng của Phượng là 2,46 tỉ đồng, trong đó Đức hưởng 741 triệu đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Trung Công (33 tuổi, ngụ Hà Nội, nguyên Đội trưởng Đội Tài liệu và hướng dẫn chất xếp của Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài, thuộc Tổng công ty hàng không VN) giúp Phượng vận chuyển trót lọt 6 chuyến yến lậu, thu lợi hàng chục triệu đồng.
Bị phạt án tù vẫn ung dung buôn lậu
Từ năm 2008, Phượng bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng yến nuôi trong nước tại một sạp ở chợ Bình Tây (Q.6). Phượng tìm hiểu và tổ chức đường dây nhập lậu yến từ Malaysia về VN bằng đường bộ, qua cửa khẩu Campuchia. Hoạt động được vài tháng, đến tháng 9.2009, Phượng bị Công an H.Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) bắt quả tang về việc nhập lậu yến. Ngày 28.5.2010, Phượng bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “buôn lậu”.
Với lý do bị bệnh, Phượng xin tạm hoãn thi hành án phạt tù. Nhưng trong thời gian này Phượng mở cửa hàng kinh doanh yến sào Phúc Thịnh, chuyên bán yến huyết nhập về từ nước ngoài. Chỉ trong thời gian ngắn, cửa hàng yến sào của Phượng được nhiều người biết, nơi đây chuyên bỏ sỉ yến cho các đầu mối lớn ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Giá yến của cửa hàng Phượng luôn rẻ hơn giá thị trường nên ngày càng thu hút nhiều khách hàng đến mua số lượng lớn.
Qua điều tra của công an, từ ngày 16.11.2009 – 19.12.2012, Phượng và các nhân viên đi Malaysia, Indonesia tổng cộng 244 chuyến; trong đó nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất 171 chuyến, cửa khẩu Nội Bài 73 chuyến. Theo lời khai của Phượng và các nhân viên, hầu hết các chuyến đi về đều nhập yến lậu cho Phượng. Mỗi chuyến một người trung bình mang từ 1 – 2 va li yến (khoảng 20 kg yến/va li).
Liên quan đến vụ án này, cơ quan công an đã thu giữ 109,8 kg yến huyết (bán đấu giá được gần 2,6 tỉ đồng), 4 thửa đất và nhà nuôi yến tại Tiền Giang, Bình Thuận, H.Cần Giờ (TP.HCM) của Phượng trị giá 11 tỉ đồng.
Giảm nhẹ vì chủ động khai báo
Tại kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, cho biết khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Phượng tự giác, chủ động khai báo việc đưa tiền cho Hưng, Đức và Công. Căn cứ khoản 6 điều 129 BLHS “… người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”, cơ quan CSĐT đề nghị xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho Phượng về tội “đưa hối lộ” là hợp lý và có căn cứ. Về trường hợp của Hưng và Đức, vì vụ lợi đã làm trái công vụ, giúp Phượng nhập lậu hàng yến sào gây thất thu tiền thuế và xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước nên phạm vào tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hành vi nêu trên của Hưng, Đức cũng có dấu hiệu của tội “nhận hối lộ”. Tuy nhiên, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo nên cơ quan CSĐT đề nghị truy tố 2 người này về tội “lợi dụng chức vụ…” là phù hợp.
Theo cơ quan điều tra, với việc nhập lậu số yến nói trên, Phượng gây thất thu cho ngân sách nhà nước gồm 5% thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền hơn 9,4 tỉ đồng.

Đàm Huy – Ngọc Lê
(TNO)

Bình luận (0)