Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hàng Tết ít hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm

Tạp Chí Giáo Dục

Giá cước vận tải cũng như hàng hóa Tết khó giảm dù xăng dầu đã giảm giá mạnh trong 5 lần điều chỉnh liên tục

Ngày 21-12, liên bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu, lần giảm thứ 5 liên tục tính từ ngày 6-10. Tổng cộng, mỗi lít xăng E5RON92 giảm gần 4.000 đồng và xăng RON95 gần 4.200 đồng. Các mặt hàng dầu cũng giảm xấp xỉ 2.000 đồng/lít.

Cước vận tải giữ nguyên

Mặc dù giá xăng, dầu liên tiếp giảm thời gian qua nhưng giá dịch vụ vận tải vẫn giữ nguyên, kéo theo đó là các mặt hàng tiêu dùng cũng "giậm chân tại chỗ".

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn đang cẩn trọng thăm dò biến động của thị trường xăng dầu. Việc giá nhiên liệu giảm nhưng chưa giảm cước một phần do yếu tố điều chỉnh giá cước khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí. Theo ông Liên, có những thời điểm xăng tăng giá mạnh nhưng DN vận tải không tăng giá cước để bảo đảm quyền lợi cho hành khách, nên khi giá xăng giảm DN cũng sẽ cân đối để kinh doanh có lãi, bù trừ cho những thời điểm khác nhau.

Thị trường hàng hóa Tết không được hưởng lợi nhiều từ việc giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh: Tấn Thạnh

Mặc dù vậy, ông Bùi Danh Liên cho biết sẽ khuyến khích các DN vận tải cân nhắc việc xăng giảm giá để có các phương án giá cước hợp lý, hài hòa lợi ích của DN và người dân. Đặc biệt trong cao điểm dịp Tết này, việc điều chỉnh giá sẽ tác động lớn đến người dân.

Theo một DN chuyên vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Lào Cai, giá nhiên liệu chiếm khoảng 40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu liên tục giảm sâu đã giảm áp lực cho DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, những chi phí từ nhân lực, vận hành đều tăng cao nên việc giảm giá cước phải được cân nhắc kỹ. 

Vị lãnh đạo DN cũng nhấn mạnh tâm lý của người tiêu dùng là giá xăng giảm thì cước phải giảm, trong khi nhiều thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh DN không dám tăng cước vì sợ bị phản ứng. Do đó, ông cho rằng khách hàng cần nhìn từ nhiều chiều để thấu hiểu những khó khăn của DN trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Theo ông Bùi Duy Khang, chủ một DN vận chuyển hành khách hợp đồng ở TP HCM, giá nhiên liệu giảm liên tục nhưng giá cước không thể giảm được vì thời gian qua, nhiều loại chi phí khác đều tăng. Chưa kể, từ đầu tháng chạp, giá vé phải tăng ít nhất 50% vì nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao. Còn ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty Vận tải Tâm An (TP HCM), cho rằng giá xăng dầu đầu năm tăng liên tục, nay mức giảm cũng chưa thấm vào đâu nên rất khó giảm giá cước vận tải, đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng rất cao.

Giá cả Tết sẽ "mềm" hơn

Các DN sản xuất cũng cho biết giá nhiên liệu chỉ chiếm một phần trong giá vận chuyển. Xăng dầu giảm giá liên tục 5 lần trong thời gian ngắn không đủ tác động giảm giá thành sản xuất. "Điểm có lợi lớn nhất của việc giảm giá xăng trong giai đoạn này là góp phần kìm hãm tăng giá, giúp giá cả thị trường từ nay đến Tết mềm hơn, ít biến động hơn. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng, vận chuyển tăng sẽ tác động tiêu cực lên giá cả hàng hóa. Giờ giá vận chuyển giảm cũng ít nhiều giúp giữ ổn định giá hàng hóa từ nay đến Tết" – ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, nhận định.

Tại các hệ thống siêu thị, sức mua bắt đầu tăng tốc. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu ăn uống, tiêu dùng và giải trí mùa lễ hội đang bán chạy nhất. Hàng Tết đã chất đầy quầy kệ. Các siêu thị cho biết đã làm việc với nhà cung cấp, đối tác từ giữa năm để chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng với mức giá hợp lý. Các chương trình khuyến mãi Tết cũng đã bắt đầu khởi động, kéo dài xuyên suốt từ nay đến ngày 30 Tết với mức giảm giá đến 50% cho hàng ngàn mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang…

Theo các siêu thị, trừ các mặt hàng rau củ, trái cây có thể điều chỉnh giá bởi diễn biến thị trường, hầu hết sản phẩm bán tại siêu thị sẽ không có biến động giá. Lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op cho biết để chuẩn bị nguồn cung dự trữ, điều tiết giá hàng hóa Tết, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng thiết yếu lên gấp 2-4 lần và tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên 5-10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm thực phẩm Tết.

Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng Phòng Truyền thông và Thương hiệu Lotte Mart Việt Nam, thông tin Lotte Mart đã trao đổi với nhà cung cấp nhằm hạn chế việc tăng giá mùa Tết, giúp góp phần bình ổn giá cả. Chỉ chấp nhận tăng giá khi có lý do chính đáng và lộ trình tăng phù hợp, tránh biến động thị trường. Từ nay đến Tết, Lotte Mart chuẩn bị hơn 4 chương trình khuyến mãi, áp dụng cho các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, thời trang, đồ gia dụng, thực phẩm Tết, đồ trang trí…

Cơ hội thêm nhiều vé máy bay giá rẻ

Ngày 21-12, đại diện một số hãng hàng không cho biết dù giá xăng dầu giảm nhiều đợt liên tiếp nhưng do vận tải hàng không là ngành đặc thù nên sẽ không tác động mạnh tới việc giảm giá cước. Bởi mức giảm chưa bù đắp nổi những khoản chi phí tăng thêm mà các hãng phải gánh chịu trước đây.

Ngoài ra, theo các hãng hàng không, nhiên liệu xăng dầu thường được các hãng ký hợp đồng nhập khẩu theo kế hoạch từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm nên việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong một vài thời điểm nhất định không tác động nhiều đến chi phí nhiên liệu đầu vào. Một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến chi phí nhiên liệu đầu vào của hàng không là tỉ giá đang tăng đáng kể thời gian qua. "Dù vậy, giá nhiên liệu giảm có thể giúp các hãng hàng không mở thêm nhiều chỗ giá rẻ cho khách hàng. Điều này tùy thuộc vào việc cân đối doanh thu, chi phí của từng chuyến bay cụ thể và tình hình thực tế thị trường. Bởi có nhiều giai đoạn giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhưng các hãng vẫn phải bán giá rẻ do áp lực cạnh tranh" – vị đại diện một hãng hàng không nói.

T.Phương

Theo Minh Chiến – Thanh Nhân – Nguyễn Hải/NLĐO

 

Bình luận (0)