Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng thiết yếu không tăng giá như tin đồn

Tạp Chí Giáo Dục

Một số mặt hàng như rau củ, chế biến tăng giá là theo thời vụ. Nhiều loại rau củ rộ mùa thì giá thấp, hết mùa hiếm hàng nên giá cao chứ không hề theo giá xăng.
Sau hơn hai tuần giá xăng tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn neo giá ở mức ổn định, trong khi đó chỉ có một số mặt hàng như nước tương, nước mắm, đồ nhựa tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng. “Chỉ một số mặt hàng tăng thôi” là câu trả lời của nhiều tiểu thương ở ngành hàng thực phẩm chế biến, nhựa, hóa mỹ phẩm… khi được hỏi về giá cả tại thời điểm này.
Rau củ: Tăng-giảm giá theo mùa
Tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, từ hôm xăng tăng giá đến nay các mặt hàng thực phẩm vẫn đang đứng giá. Một số loại rau củ như cà rốt, khoai tây Đà Lạt, cà chua không tăng giá. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), bí đỏ giảm 2.000 đồng còn 14.000 đồng/kg, bầu giảm 3.000-5.000 đồng còn 7.000-10.000 đồng/kg.
Riêng hành lá tăng lên đến 25.000 đồng/kg (giá cũ 10.000-15.000 đồng/kg), chanh 40.000 đồng/kg (giá cũ khoảng 15.000 đồng/kg). Điều này được các tiểu thương lý giải là do thời tiết nóng cũng như gần cuối mùa nên hút hàng và năm nào vào mùa nóng cũng vậy.
Chị Hằng, tiểu thương rau, củ quả chợ Bà Chiểu, cho biết dù xăng tăng giá hơn nửa tháng rồi nhưng không ảnh hưởng gì đến giá cả, có chăng một số ít mặt hàng nhích lên vài ngàn đồng do nguồn cung cấp tăng giá. “Nhiều loại rau củ chỉ tăng, giảm theo quy luật – rộ mùa thì giá thấp, hết mùa hiếm hàng nên giá cao chứ không hề theo giá xăng” – chị Hằng nói.
Riêng thịt heo thì do ảnh hưởng thông tin về heo “siêu nạc” nên giá đang “rớt” từ từ, thịt nạc dao động 85.000-90.000 đồng/kg, thịt đùi 85.000 đồng/kg, ba rọi 85.000-90.000 đồng/kg.

Nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt… đang ở mức giá ổn định. Ảnh: TÚ UYÊN
tăng giá đơn lẻ
Riêng đối với mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn thì có một số ít tăng giá nhẹ. Bà Diệp, tiểu thương quầy thực phẩm chế biến chợ Gò Vấp, quận Gò Vấp, cho biết ngày 21-3 vừa mới nhập lô hàng nước tương Tam Thái Tử mới biết giá vừa tăng thêm 1.000 đồng lên 13.000 đồng/chai. Nước mắm Nam ngư loại 500 ml tại một số nơi tăng thêm 500-2.000 đồng/chai, có giá 16.500-18.000 đồng/chai. ngoài hai loại trên chưa thấy nhãn hàng nước chấm nào tăng giá thêm.
Mặt hàng bột nêm cũng mới chỉ có Maggi tăng giá.
Các mặt hàng thiết yếu khác như dầu ăn, bột ngọt, đường… không biến động nhiều, thậm chí đường Bến Tre, đường trắng Khánh Hòa còn giảm 2.000 đồng/kg, giá 20.000 đồng/kg.
Ở một vài điểm bán hàng nhỏ, gạo ngon tăng khoảng 1.500 đồng/kg, gạo trung bình đứng giá hoặc tụt giá.
Một số mặt hàng hóa mỹ phẩm như sữa rửa mặt Biore, Pond’s tăng giá 3.000-4.000 đồng/tuýp. Chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết: Một số mặt hàng hóa mỹ phẩm tăng giá từ sau tết, trước khi giá xăng tăng.
Siêu thị: một, hai tháng nữa giá mới tăng
Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Siêu thị Citimart, cho biết từ giữa tháng 3, siêu thị này đã nhận được nhiều thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp nước giải khát, rượu, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, mức tăng 5%-10% với nhiều thời điểm áp dụng là 1-4, 15-4, 20-4. Các nhà cung cấp đưa ra vẫn với “điệp khúc cũ” là chi phí đầu vào tăng, giá vận chuyển tăng, lãi suất ngân hàng… “Với những thông báo điều chỉnh giá mới này, chúng tôi đang cân nhắc. Những mặt hàng nào còn tồn kho thì vẫn bán giá cũ. Đối với các mặt hàng thiết yếu và chủ lực của siêu thị, chúng tôi chỉ giữ được giá từ một đến hai tháng do mặt bằng kho bãi có giới hạn, sau đó phải nhập hàng và chấp nhận giá mới. Còn những mặt hàng không chủ lực siêu thị sẽ cân nhắc có nhập hay không” – ông Hải nói.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết một số nhà cung cấp nước giải khát gửi yêu cầu tăng giá với tỉ lệ thấp như rượu Hồng Đào tăng khoảng 2%, nước uống không gas Interfood tăng 4%, nước ngọt SG Phương Nam tăng 7%… Bên cạnh đó, ngành hàng thực phẩm khô cũng được yêu cầu tăng giá như cà phê Trung Nguyên tăng khoảng 4%, sữa Vixumilk tăng khoảng 3%… “Chúng tôi đang đàm phán, nếu có tăng thì sớm nhất cũng phải đến giữa tháng 4 mới thay đổi theo giá mới” – vị đại diện này nhấn mạnh.
Đại diện Siêu thị Lotte Mart cho biết từ ngày 7-3 đã nhận được 80 thông báo tăng giá của các nhà cung cấp thuộc các nhóm hàng. Thực phẩm khô như bia, rượu, nước giải khát, hàng gia vị, hàng đông lạnh, trang trí nội thất, văn hóa phẩm, hóa mỹ phẩm “đòi” tăng trung bình 10%-15%. Riêng ngành hàng thực phẩm tươi sống tăng hơn 50% so với giá cũ (!). Cũng theo vị đại diện này, tất cả thông báo tăng giá không phải đều hợp lý. Với một số mặt hàng, Lotte Mart không chấp nhận tăng giá và sẵn sàng không đặt hàng nếu lý do không hợp lý.
Các siêu thị đều cho rằng ngay trong tháng 3 này không có hiện tượng tăng giá đồng loạt do giá xăng tăng mà chỉ vài mặt hàng lẻ tăng với tỉ lệ thấp. “Hiện nay với sức mua yếu, các siêu thị liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi để kéo sức mua trở lại, khó khăn như vậy thì việc tăng giá cũng phải cân nhắc, không thể theo ý của nhà cung cấp được” – đại diện một siêu thị cho biết.
Đại diện Công ty Giấy Sài Gòn cho biết: Do chi phí đầu vào tăng cao, giá xăng dầu đã tăng nên từ ngày 1-4, giá giấy cuộn, khăn ăn sẽ tăng 7%-8%.
Riêng giá của các mặt hàng nhựa cũng đang nhích nhẹ 5% -10% tùy loại. Các mặt hàng nước giải khát như Trà xanh, C2, Sting của Công ty Tân Hiệp Phát đã có mức tăng khoảng 1.000 đồng/chai.
TÚ UYÊN (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)